Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp

Tận dụng lợi thế có quy mô diện tích không lớn, vốn đầu tư hạ tầng vừa phải, phù hợp với các doanh nghiệp vừa, nhỏ, công nghệ cao, sử dụng ít lao động, quản lý môi trường tập trung, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã phát triển hàng chục cụm công nghiệp, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công hạ tầng Cụm công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).
Thi công hạ tầng Cụm công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).

Triển khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, Thái Nguyên đang tập trung phát triển nhiều cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để việc xây hạ tầng các cụm công nghiệp đúng tiến độ, tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư.

“Ly nông, bất ly hương”

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG là doanh nghiệp may mặc xuất khẩu lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với khoảng 18 nghìn cán bộ, công nhân, đồng thời cũng là doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực bất động sản, hạ tầng cụm công nghiệp. Những năm qua, công ty này đã đầu tư xây dựng nhiều cụm công nghiệp ở các huyện, thành phố như các cụm công nghiệp Kha Sơn, Cây Bòng, Sơn Cẩm, Đại Từ, Đồng Hỷ,... Công ty cũng đầu tư các nhà máy may tại các cụm công nghiệp này để thu hút lao động nông thôn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nguyễn Văn Thời cho biết: “Chúng tôi đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp ở vùng nông thôn, diện tích sử dụng đất từ 15 ha đến 50 ha, vốn đầu tư từ 100 đến 400 tỷ đồng. Việc xây dựng cụm công nghiệp được chính quyền các huyện, thành phố tạo thuận lợi về giải phóng mặt bằng cho nên hạ tầng, cảnh quan được triển khai khá nhanh và đồng bộ. Cùng với hoàn thiện hạ tầng, chúng tôi xây dựng nhà xưởng, lắp đặt các dây chuyền may thu hút lao động nông thôn ở địa phương”.

Lao động của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG có thu nhập bình quân hằng tháng hơn 9 triệu đồng/người.

Tại cụm công nghiệp Kha Sơn rộng hơn 10 ha, Chi nhánh TNG Phú Bình giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động, chủ yếu là người huyện Phú Bình và huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), chị Nguyễn Thị Thắng, công nhân Chi nhánh TNG Phú Bình, nhà ở xóm Mai Kha, xã Kha Sơn (huyện Phú Bình) chia sẻ: “Làm việc tại nhà máy may TNG, tôi có việc làm ổn định, lương bình quân 9,4 triệu đồng/tháng, hết giờ đi về nhà, không phải thuê chỗ ở, vẫn tranh thủ thời gian để quán xuyến việc gia đình”.

Cụm công nghiệp số 3 Đa Phúc ở thành phố Phổ Yên được xây dựng cạnh cảng đường sông Đa Phúc, rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn, cồng kềnh cho nên sau khi hoàn thiện xây dựng hạ tầng đã thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chế tạo cơ khí, sản xuất gỗ ván ép, vật liệu xây dựng.

Cụm công nghiệp đã được lấp đầy, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định với những ngành nghề phù hợp vận chuyển hàng hóa đường sông với khối lượng lớn, chi phí thấp; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động, hầu hết là người địa phương.

Giám đốc Quản lý cụm công nghiệp số 3 Đa Phúc, Vũ Quốc Huy

Tận dụng ưu thế của cụm công nghiệp có vốn đầu tư hạ tầng, quy mô không lớn như khu công nghiệp, giải quyết khó khăn về mặt bằng kinh doanh, sản xuất công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những năm vừa qua, tỉnh Thái Nguyên tích cực mời gọi nhà đầu tư, tạo thuận lợi phát triển cụm công nghiệp. Đến nay tỉnh có 21 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng, với tổng số vốn gần 5.800 tỷ đồng, trong đó có 11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 60 dự án đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đăng ký hơn 8.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 11 nghìn lao động, chủ yếu là người địa phương, góp phần tăng thu ngân sách.

Tư duy, tầm nhìn mới

Giai đoạn trước năm 2020, tỉnh Thái Nguyên quy hoạch hàng chục cụm công nghiệp ở các huyện, trong đó có một số cụm công nghiệp được triển khai ở những nơi không thuận lợi về giao thông, nhân lực, nguồn nguyên liệu cho nên hàng chục năm không thu hút được nhà đầu tư hạ tầng, dẫn đến quy hoạch treo, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và người dân địa phương. Khắc phục vấn đề này, thời gian qua, tỉnh đã đưa ra khỏi quy hoạch 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 200 ha và giảm diện tích 3 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 80 ha.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 về tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp tại các địa phương phía nam tỉnh, quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt với 41 cụm công nghiệp, tổng diện tích gần 2.100 ha.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Chính cho biết: “Quy hoạch các cụm công nghiệp được tỉnh khảo sát kỹ, có vị trí thuận lợi về giao thông kết nối, gần vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, nguồn nhân lực cho nên ngay sau khi được phê duyệt, nhiều cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, kinh doanh. Điều này thể hiện tư duy, tầm nhìn mới về quy hoạch cụm công nghiệp và có tính khả thi cao”.

Sau khi quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được phê duyệt, đến nay hơn 10 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư và đang khẩn trương triển khai xây dựng hạ tầng để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Riêng tại huyện Phú Bình có 6 cụm công nghiệp mới được thành lập với tổng diện tích gần 400 ha và có chủ đầu tư hạ tầng với tổng số vốn hơn 4.000 tỷ đồng.

Điển hình là cụm công nghiệp Bảo Lý-Xuân Phương rộng 75 ha tại huyện Phú Bình, nằm bên cạnh đường vành đai 5 với 6 làn xe, giai đoạn I có tổng mức đầu tư 305 tỷ đồng, hiện đang hoàn thiện hạ tầng, đấu nối hệ thống cấp điện, cấp nước. Ông Đoàn Văn Tùng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bê tông xây dựng Việt Cường, chủ đầu tư cụm công nghiệp chia sẻ: “Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện hạ tầng để tiến hành giao đất cho nhà đầu tư thuê xây dựng nhà máy sản xuất thép và tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp khác”.

Đối diện là Cụm công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương rộng 74,8 ha, tổng mức đầu tư 792 tỷ đồng cũng đang được chủ đầu tư rầm rộ san lấp mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng trong thời gian tới. Theo bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng, chủ đầu tư Cụm công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương, trước khi đầu tư cụm công nghiệp, công ty đã tìm hiểu, thăm dò nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp để bảo đảm cho cụm công nghiệp được lấp đầy sau khi xây dựng xong hạ tầng.

Để thu hút đầu tư chất lượng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, công nghệ bán dẫn vào các khu, cụm công nghiệp, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên và chủ đầu tư các cụm công nghiệp đã tổ chức nhiều đoàn công tác giới thiệu tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh ở Thái Nguyên cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đài Loan (Trung Quốc),... Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Văn Dương, qua các đợt tiếp xúc, thu hút đầu tư tại nước ngoài, phía bạn rất tâm đắc về hạ tầng giao thông, hạ tầng khu cụm công nghiệp, môi trường, nhân lực tại Thái Nguyên. Do đó, tỉnh có nhiều triển vọng thu hút đầu tư FDI vào các khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới.

Để các cụm công nghiệp triển khai thuận lợi, đúng tiến độ đề ra, nhiều nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp mong muốn các sở, ngành và các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư; đầu tư hạ tầng cấp điện, nước, giao thông ngoài hàng rào cụm công nghiệp; các ngân hàng cấp tín dụng đúng tiến độ như cam kết và ưu đãi về thuê đất, thuế như đối với khu công nghiệp để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp.