Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa

NDO - Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động... khiến cho sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường còn hạn chế. Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa là một hướng đi được đánh giá là khả thi trong giai đoạn hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm OCOP còn thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.
Sản phẩm OCOP còn thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.

Ngày 5/12, Bộ Công thương tổ chức hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP”. Tại hội nghị, các nhà hoạch định chính sách, đại diện tỉnh, thành phố, hiệp hội, doanh nghiệp, chủ thể OCOP đã chia sẻ thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện OCOP; thảo luận các giải pháp về chính sách, hỗ trợ kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP. Chia sẻ giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP qua kênh thương mại điện tử.

Nhiều biện pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

"Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Bên cạnh đó, đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: Vùng đồng bằng sông Hồng chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía bắc chiếm 19,8% và vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4%.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa gắn với liên kết chuỗi của các địa phương; góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất.

Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, đến nay, Bộ Công thương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về các sản phẩm OCOP và hệ thống các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước. Bộ cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP và các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, Bộ Công thương đã xây dựng tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là căn cứ để địa phương xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Bộ Công thương đã cấp kinh phí và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ 25 địa phương (21 địa phương trong giai đoạn 2019-2020 và 4 địa phương trong năm 2023) xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa ảnh 1

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương chia sẻ tại hội thảo.

Một loạt các hoạt động kết nối thị trường, tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương, các đặc sản vùng miền cũng đã được Bộ Công thương triển khai gần đây.

Nhờ đó, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước như Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+…

Đồng thời, các sản phẩm OCOP đã bước đầu được đưa lên trên các kênh thương mại điện tử mua sắm trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart, trên nền tảng TikTok…

Một số địa phương bằng nguồn kinh phí của mình đã triển khai xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP theo tiêu chí của Bộ Công thương và với bộ nhận diện điểm bán thống nhất như: Hà Nội (hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã), Quảng Ninh (30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP), Bắc Kạn (10 điểm), Bến Tre (12 điểm), Thanh Hóa (5 điểm)….

Nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa-du lịch (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cà Mau…).

Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển kinh tế.

Các doanh nghiệp vẫn cần sự chung tay của địa phương

Nhận định về khả năng tiêu thụ của sản phẩm OCOP trên thị trường, ông Đặng Quý Nhân, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện địa phương nào cũng có thể có sản phẩm OCOP nhưng thực tế, sản phẩm nổi trội lại chưa nhiều.

Việc thiếu đầu tư cho mẫu mã, bao bì, sản xuất còn thiếu các tiêu chí an toàn, chưa nâng cao chất lượng sản phẩm làm giảm đi tính cạnh tranh của sản phẩm OCOP trong các siêu thị hay hệ thống phân phối.

"Tôi cho rằng các địa phương cần thay đổi cách làm sản phẩm OCOP (đặc sản địa phương, mỗi xã một sản phẩm) để đạt giá trị gia tăng cao hơn", ông Nhân bày tỏ.

Đây là thực tế mà Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cũng chỉ ra cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP.

Hiện nay, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng.

Số lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn trong bối cảnh sức mua trong nước còn yếu sau đại dịch Covid-19.

Theo ông Hoàng Hoa Quân, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi năm Việt Nam đón khoảng 120 triệu khách du lịch và khách hiện có xu hướng tự tìm tour trên các ứng dụng trực tuyến, thích du lịch khám phá, du lịch cộng đồng, được trải nghiệm cách làm sản phẩm OCOP thực tế.

Mặc dù cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP nhưng các điểm tập trung sản phẩm OCOP chưa nhiều, điểm phục vụ khách du lịch lại càng hiếm. Do đó, các địa phương để thúc đẩy sản phẩm OCOP gắn với du lịch cần tính toán đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp đón khách du lịch và nên tập hợp đa dạng sản phẩm OCOP tại điểm du lịch.

Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa ảnh 2
Các doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP cần phải tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Việc truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; công tác quản lý thị trường và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm OCOP cần được đẩy mạnh hơn nữa.