Gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP

Thành phố Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước về số lượng các sản phẩm OCOP, trong đó, nhiều sản phẩm tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước. Tuy nhiên, để vươn ra thị trường quốc tế, thành phố cần có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
0:00 / 0:00
0:00
Ðiểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô (đường Quang Trung, quận Hà Ðông, thành phố Hà Nội). (Ảnh NGUYỄN AN)
Ðiểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô (đường Quang Trung, quận Hà Ðông, thành phố Hà Nội). (Ảnh NGUYỄN AN)

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nổi tiếng với nghề đan tre truyền thống từ hàng trăm năm nay. Từ các nguyên liệu mây, tre, nứa, trúc,... qua bàn tay khéo léo của người thợ thủ công đã cho ra những sản phẩm độc đáo, được du khách trong nước và quốc tế yêu thích. Từ năm 2007, Câu lạc bộ Nghệ nhân Phú Vinh ra đời, tập hợp nhiều thợ giỏi để gìn giữ và phát triển nghề, thiết kế gần 60 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm gặp không ít khó khăn vì giá thành cao do các nguyên liệu sản xuất khan hiếm. Các sản phẩm bán trong nước không cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại sản xuất từ nguyên liệu nhựa, kim loại vì sản xuất công nghiệp, giá thành rẻ. Còn sản phẩm xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào trung gian khiến giá thành bị đẩy cao.

Trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn 35 làng được công nhận là làng nghề, 175 làng có nghề. Thực hiện Chương trình OCOP, từ năm 2019 đến 2022, huyện có 145 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có một số sản phẩm đã được xuất khẩu. Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 40 sản phẩm OCOP được đánh giá, chứng nhận đạt từ ba sao trở lên. Theo đánh giá của đại diện Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ, mặc dù tiềm năng còn rất lớn, nhưng việc xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chứng nhận sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn. Ðể thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển, huyện thành lập Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, tạo điều kiện để sản phẩm OCOP của huyện được giới thiệu rộng rãi với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề cần tiếp tục sáng tạo để tạo ra các sản phẩm OCOP là hàng thủ công bảo đảm chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, phù hợp thị trường xuất khẩu.

Ðại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội cho biết, đến nay, thành phố Hà Nội đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về Chương trình OCOP, với 2.167 sản phẩm được công nhận, chiếm 22% các sản phẩm OCOP của cả nước, trong đó có tám sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao; 1.369 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 780 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Thành phố cũng khai trương 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật Bản...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội, tạo dấu ấn, niềm tin đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận, lưu thông trên thị trường. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nâng cấp sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống, các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm làm quà tặng, quà lưu niệm; hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị, tăng cường chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ, hỗ trợ tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, dự báo thị trường nhằm thực hiện tốt vai trò định hướng kết nối cung cầu sản phẩm OCOP trong nước và nhất là phát triển thị trường quốc tế.