Trao đổi về thực trạng phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực xiếc, Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: Nghệ thuật xiếc có đặc thù riêng khi diễn viên thường được đào tạo từ năm tuổi hoặc tám đến 10 tuổi, vì ở độ tuổi này đã bắt đầu bộc lộ năng khiếu.
Ðể phát hiện tài năng trẻ cho xiếc đòi hỏi phải tìm kiếm và tuyển chọn khá công phu. Hiện nay, qua truyền thông, các chương trình truyền hình, chương trình tìm kiếm tài năng nhí… nhiều em nhỏ có năng khiếu đặc biệt được phát hiện. Tuy nhiên, quá trình này đang thiếu những định hướng rõ ràng để tài năng của các em có thể định hình và phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
Ðối với ngành xiếc Việt Nam, tìm kiếm nhân lực đang là bài toán khó và là thách thức lớn bởi nghề này vất vả, nguy hiểm, nhưng chế độ đãi ngộ chưa được như mong muốn. Trong khi đó, không phải học sinh nào ở trường xiếc khi tốt nghiệp cũng là những tài năng và có thể theo nghề.
Trong bối cảnh già hóa diễn viên, lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp để ngành xiếc có được các tài năng trẻ, trong đó chú trọng tìm nguồn nhân lực tại chỗ, từ tác động của các nghệ sĩ trong ngành với con em mình. Một số em nhờ truyền thống gia đình, có đam mê và yêu thích xiếc được chọn lựa và liên đoàn sẽ đầu tư đào tạo, đưa các em vào môi trường chuyên nghiệp. Trong cái khó, liên đoàn vẫn cố gắng huy động các nguồn lực để các em có thể phát huy được tài năng và yên tâm gắn bó với nghề.
Từng tham gia công tác đào tạo ở lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hoài Phương của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đề cập đến hiện trạng “chảy máu chất xám”, “chảy máu tài năng”. Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã có một số đề án tuyển chọn, cấp học bổng cho sinh viên tài năng, đủ điều kiện du học ở các nước phát triển, trong đó có những sinh viên là tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, không ít người đã không về nước, không đóng góp vào sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, trong khi công tác giảng dạy và chương trình đào tạo tài năng trẻ ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong nước còn nhiều bất cập. Với tính đặc thù của mình, để đào tạo một tài năng nghệ thuật, cần thời gian lâu dài, thậm chí có khi vài chục năm cũng chưa thể thành tài theo đúng nghĩa.
Trước hết họ phải có tư chất bẩm sinh, nhưng để phát triển đúng hướng, đạt trình độ điêu luyện, cần được đào tạo bài bản. Cá nhân có năng khiếu, song điều quan trọng là phải tự thân khổ luyện, rèn giũa. Bên cạnh việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp, cần phải có môi trường đào tạo chuyên nghiệp và điều kiện mở rộng kiến thức về mọi mặt… thì tài năng mới thăng hoa, từ đó có những đóng góp sản phẩm nghệ thuật có giá trị.
Việc dạy và học các chuyên ngành nghệ thuật cũng mang tính đặc thù. Ngoài các giờ học thực hành, làm bài, trả bài, nhóm đối tượng này vẫn phải bảo đảm các môn cơ bản của giáo dục phổ thông theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, trong khi công việc giảng dạy các ngành nghệ thuật khá khắt khe về thời gian, phương pháp truyền nghề… mà chế độ thù lao giờ giảng chưa tương xứng. Quá trình đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đòi hỏi ngành văn hóa cần có một chiến lược đầu tư dài hạn.
Dù khan hiếm, nhưng không để lãng phí tài năng là mong muốn của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Theo Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, hiện tại, chúng ta có khá nhiều chương trình, show thực tế tìm kiếm những cá nhân có năng khiếu trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng chỉ tạm dừng ở đó mà không phát triển tiếp, bởi nhận thức chung là phần lớn các gia đình chỉ cần con nổi tiếng, không cần chuyên nghiệp.
Phát hiện năng khiếu là một chuyện, điều cần làm tiếp theo là thuyết phục và có hội đồng đánh giá, kết nối các trường chuyên nghiệp để đào tạo, nhưng các công đoạn này mới chỉ giải quyết được khâu đầu vào. Ðiều quan trọng là các trường đào tạo về văn hóa, nghệ thuật cần tổ chức những cuộc thi chuyên nghiệp tìm kiếm tài năng trẻ mở rộng để đánh giá thực chất, không phải qua lăng kính của truyền thông hay showbiz.
Cùng với đó, Nhà nước cần quan tâm, mở rộng hơn nữa chính sách, cơ chế phát hiện, đào tạo các tài năng trẻ bên cạnh nguồn lực xã hội hóa, có chiến lược đầu tư bài bản cho tài năng của các loại hình nghệ thuật.
Một thực tế phổ biến hiện nay, sau những cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn như: Tuồng, kịch nói, chèo, múa rối của các hội nghề nghiệp và các cuộc thi, liên hoan nhảy, múa thiếu niên, nhi đồng… những thí sinh có năng khiếu và đoạt giải sẽ tiếp tục phát triển như thế nào, cống hiến ra sao khi chúng ta chưa khai thác, tận dụng nguồn nhân lực này để đầu tư một cách bài bản và đây là một sự lãng phí khá đáng tiếc.
Ðối với bảo tồn và phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống, các nghệ nhân lớn tuổi, giàu kinh nghiệm được ví như “báu vật sống” thì những người trẻ có khả năng là những “viên ngọc” còn ẩn mình trong đá; để tỏa sáng cần có thời gian, sự kiên trì và sáng tạo.
Theo nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long, để sáng tạo nên các giá trị mới trên nền tảng di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống, người trẻ đóng góp vai trò rất quan trọng. Thực tế hiện nay cho thấy, người trẻ tham gia sáng tạo, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống rất mạnh mẽ, là nguồn lực tiềm năng, nhưng cơ chế, chính sách hiện tại chưa khơi nguồn, tạo động lực, công nhận và khuyến khích tài năng trẻ cống hiến cho văn hóa, nghệ thuật truyền thống.
Tài năng trẻ trong các lĩnh vực, nhất là với văn hóa, nghệ thuật là vốn quý với mỗi quốc gia, dân tộc. Nếu được “ươm” trong một môi trường tốt, những tài năng trẻ sẽ thăng hoa, tỏa sáng và ngược lại, nếu không có chính sách đầu tư, nâng đỡ thỏa đáng, họ sẽ không có điều kiện phát triển, thậm chí phai nhạt, thui chột.
Với những chuyển biến trong nhận thức về vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật đối với đời sống xã hội, hy vọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ tài năng ở lĩnh vực này sẽ được quan tâm nhiều hơn, giúp họ trưởng thành, phát huy khả năng và nhận lãnh trách nhiệm chủ chốt trong thực hành, sáng tạo, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nước nhà.