Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tiếp tục căng thẳng đã khiến nhiều đơn vị nghệ thuật buộc phải lỡ hẹn với công chúng. Thí dụ vở hài kịch "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" của Nhà hát Kịch Việt Nam đã được lên lịch diễn liên tục từ ngày 4 đến 8/3, nhưng đành tạm hoãn vì nhiều cán bộ, diễn viên phải cách ly y tế. Vở cải lương kết hợp xiếc "Thượng Thiên Thánh Mẫu" do Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp Liên đoàn Xiếc Việt Nam dự định công diễn dịp này cũng không thể triển khai. Hàng loạt sản phẩm nghệ thuật mới của Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội... đều đang phải "ém hàng" chờ ngày có thể công diễn.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, cùng với tâm lý e ngại, chưa thật sự sẵn sàng đến rạp của khán giả, việc đưa sản phẩm sân khấu lên môi trường số là giải pháp hàng đầu đang được các đơn vị nghệ thuật quan tâm. Dù giải pháp này có thể ít nhiều làm mất tính sống động khi thưởng thức trực tiếp của nghệ thuật sân khấu, song là hướng đi thích ứng với bối cảnh hiện tại, nhất là khi cơ hội biểu diễn trực tiếp trước khán giả của sân khấu bị thu hẹp vì dịch bệnh.
Theo nhiều chuyên gia, sân khấu số không chỉ giúp khơi thông dòng chảy nghệ thuật đang bị gián đoạn bởi đại dịch, nuôi dưỡng lửa nghề cho nghệ sĩ mà còn mở cánh cửa để sân khấu được tiếp cận đông đảo công chúng hiện đại. Ðây cũng là xu hướng phát triển tất yếu của nghệ thuật trong thời đại số với khả năng tiết kiệm chi phí biểu diễn, tăng doanh thu cho đơn vị qua thu nhập từ quảng cáo và thu phí xem qua mạng.
Hướng đi đã rõ, có điều ở thời điểm này, việc ứng dụng công nghệ để thực hiện sân khấu số và tiến tới có thể bán vé, tạo nguồn thu vẫn là ước mơ đối với nhiều nhà hát. Thời gian qua, những sản phẩm sân khấu được đưa lên môi trường số chủ yếu mới chỉ mang tính giới thiệu, tuyên truyền chứ chưa thật sự đủ hấp dẫn để có thể thu được tiền từ công chúng mạng. Muốn làm được điều này, bên cạnh việc bảo đảm giá trị nội dung, nghệ thuật, tác phẩm sân khấu cần sự đầu tư nghiêm túc cho công nghệ, trang thiết bị, đường truyền.
Tiếc rằng hiện nay, nhiều đơn vị sân khấu được coi là những cánh chim đầu đàn của nghệ thuật nước nhà vẫn chưa có phòng thu, trang thiết bị công nghệ hiện đại, cũng không có nhân lực đủ chuyên môn thực hiện. Trong khi đó, đi thuê một đội ngũ chuyên nghiệp với đầy đủ máy móc, thiết bị, đường truyền đòi hỏi phải có nguồn kinh phí mà không phải đơn vị sân khấu nào cũng đủ sức đáp ứng.
Ðến nay, với sự hỗ trợ của lãnh đạo ngành văn hóa trong liên hệ, kết nối với các đơn vị truyền hình Trung ương, địa phương, một số vở diễn, chương trình sân khấu đặc sắc đã có cơ hội được "trình làng" trên mạng xã hội và sóng truyền hình.
Tuy nhiên, sự kết hợp này chỉ mang tính ngắn hạn. Do đó, về lâu dài, rất cần sự quan tâm vào cuộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xây dựng trang thiết bị chuyên dụng, giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống trong biểu diễn trực tuyến, chuyển tải tác phẩm lên môi trường số.
Ðể làm điều này không thể ngày một ngày hai mà cần sự đầu tư đồng bộ về cả kinh phí, thời gian và nhân lực. Trước mắt, nhiều đơn vị nghệ thuật mong muốn được cơ quan nhà nước tạo điều kiện để có thể chia sẻ, tận dụng, sử dụng chung phòng thu, trang thiết bị công nghệ với các đơn vị trong ngành đã được đầu tư; hoặc có cơ chế để phối hợp các đơn vị truyền thông quay, phát, đưa các sản phẩm sân khấu hấp dẫn tiếp cận khán giả.