Đầu tư Cảng biển trung chuyển quốc tế Cần Giờ gắn với phát triển vùng Đông Nam Bộ

NDO - Chiều 12/5, Hội thảo Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã thu hút ý kiến đánh giá và góp ý của nhiều chuyên gia, các Hiệp hội, đơn vị quản lý với kỳ vọng nếu Đề án được triển khai sẽ thúc đẩy chiến lược biển quốc gia, phát triển ngành hàng hải và dịch vụ hậu cần, thương mại, dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Vùng trọng điểm phía nam.
0:00 / 0:00
0:00
Phối cảnh Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Phối cảnh Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Theo Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast), đơn vị lập Đề án, Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ nằm đối diện với cụm cảng Cái Mép-Thị Vải hiện tại, là khu cảng có vị trí thuận lợi để thực hiện trung chuyển quốc tế. Cảng nằm gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực, có nhiều lợi thế cho phát triển hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics.

Bên cạnh đó, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tiềm năng rất lớn để cạnh tranh với các hub trung chuyển trong khu vực như Singapore hay Malaysia. Khi phát triển, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp đến thị trường Bắc Mỹ và châu Âu có thể trung chuyển tại Cần Giờ thay vì tại các cảng trung chuyển quốc tế khác của châu Á. Do vậy, Việt Nam có thể hưởng lợi từ chính các cơ hội thương mại mới bổ sung này.

Bến Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ nằm tại vị trí cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ. Dự án chia làm 7 giai đoạn thực hiện, có nguồn vốn đầu tư gần 129 nghìn tỷ đồng (khoảng 5.453,78 triệu USD), thực hiện bằng nguồn vốn của nhà đầu tư.

Ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng chia sẻ: "Đề án này tôi đã trăn trở 20 năm trước khi Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về di dời Cảng biển ra đời. Lúc đó, thành phố di dời hầu như các cảng ra ngoại thành thì các ngành, đơn vị cũng như bản thân tôi đã tính đến việc quy hoạch Cảng ở cửa ngõ Cần Giờ. Cho đến thời điểm này, đề án rất thuận lợi để thực hiện vì đây là sự ấp ủ, nghiên cứu trong nhiều năm, trong đó có nhà đầu tư, công ty vận tải đường biển MSC, một công ty hàng đầu thế giới kết hợp với Cảng Sài Gòn nghiên cứu".

“Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào quy hoạch dự án và nhà đầu tư “gặp nhau” thì dự án đó thành công. Do đó, đối với dự án này vấn đề không nằm ở chỗ làm hay không làm mà làm sao nhanh nhất để không mất cơ hội”, ông Lịch nêu quan điểm.

Ông Lịch cũng đề nghị, công tác chuẩn bị đề án này cần được tính toán khá công phu trên nhiều mặt, đặc biệt khó khăn nhất là khu vực quy hoạch Cảng nằm cạnh khu dự trữ sinh quyển được công nhận là lá phổi của thành phố nên phải đánh giá nghiêm túc về mặt môi trường.

Báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng nhấn mạnh, bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn như các tuyến ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Ðây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Ông Trần Du Lịch chia sẻ thêm, chúng ta không nên nghĩ Cái Mép là của Bà Rịa-Vũng Tàu, Cảng Cần Giờ của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là trung tâm kết nối (hub) ở 2 bên bờ sông Thị Vải, của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia. Do đó, Ban điều phối Đông Nam Bộ với trò chính là Thành phố Hồ Chí Minh phải phối hợp ngay từ đầu để tạo một hub chung, tạo một một hệ thống cảng hai bên bờ sông vì lợi ích chung để phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, lịch sử phát triển của Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh hơn 300 năm qua gắn liền với sự phát triển của cảng biển, vận tải biển. Đến nay, hạ tầng cảng biển của thành phố đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch, các cảng xây dựng đồng bộ, hiện đại, công nghệ mới, khai thác hiệu quả đã góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và của cả khu vực phía nam.

Ngoài ra, điều kiện pháp lý cũng như các quy hoạch liên quan để Đề án này có thể triển khai là: Nghị quyết số 154 ban hành ngày 23/11/2022 của Chính phủ; Nghị quyết số 31 ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 81/2023/QH15 và Quyết định số 200/QĐ-UBND đều đặt mục tiêu nghiên cứu khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực Cần Giờ trở thành động lực mới cho Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trên cơ sở căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý nêu trên và thực tiễn phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay đã hoàn thành dự thảo Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

"Huyện Cần Giờ - Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí địa lý tiếp giáp với biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu, tiếp giáp sông Thị Vải, là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4, hội tụ đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế. Việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển trong giai đoạn 2021-2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như các tỉnh Khu vực kinh tế trọng điểm phía nam nói chung", lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.