Giao thông yếu kém
Theo quy hoạch, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò trung chuyển quốc tế.
Riêng trong năm 2020, khối lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 113 triệu tấn, trong đó có hơn 7,5 triệu TEU công-ten-nơ, chiếm 16% tổng lượng hàng hóa cả nước và chiếm 34% tổng hàng công-ten-nơ thông qua cảng biển Việt Nam. Tháng 1 vừa qua, cảng Gemalink có công suất 2,5 triệu TEU đã đi vào hoạt động. Đây là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và là một trong 19 cảng trên thế giới đón được siêu tàu lớn nhất. Dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, sau ba năm nữa, lượng hàng qua cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải sẽ tăng gấp hai lần.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, khó khăn lớn nhất trong phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải chính là giao thông kết nối cụm cảng này với các khu công nghiệp, khu chế xuất của vùng Đông Nam Bộ còn yếu, trong đó tuyến quốc lộ 51 hiện là tuyến đường bộ duy nhất nối Bà Rịa - Vũng Tàu với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực. Dù dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang gấp rút triển khai các thủ tục để sớm khởi công nhưng nhu cầu về một tuyến đường sắt kéo dài từ Biên Hòa qua Cái Mép vẫn rất cần thiết. Đại diện các cảng lớn trong cụm cảng như: CMIT, Tân cảng Cái Mép, Gemalink… cũng khẳng định những hạn chế về giao thông đang là “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của cụm cảng nước sâu này. Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc Tân cảng Sài Gòn, cho biết: Hơn 80% lượng hàng hóa cập các cảng của Tổng công ty tại Cái Mép - Thị Vải được chuyển về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Nếu không có các giải pháp phát triển hệ thống vận tải, chi phí cho logistics sẽ tăng cao, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa.
Nhiều doanh nghiệp tính toán, nếu vận chuyển bằng đường bộ, chỉ cần một tàu mẹ hơn 15 nghìn TEU cập cảng cũng đủ làm quốc lộ 51 trở nên tê liệt. Còn theo các chuyên gia, nếu không sớm phát triển nhanh các tuyến đường thủy nội địa, đường sắt chuyên dụng, đủ năng lực cung ứng và giải phóng hàng hóa, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, dù hiện đại đến đâu, cũng không thể hấp dẫn các hãng tàu trên thế giới. Và nếu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các cảng cạn, cải thiện thủ tục xuất nhập khẩu, thông quan hải quan, kiểm dịch hàng hóa và hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa cảng và hậu phương sau cảng… thì mục tiêu xây dựng địa phương này thành trung tâm logistics của khu vực khó có thể hoàn thành.
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Lợi thế so sánh của cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải với các quốc gia có biển trong khu vực rất lớn, là nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng, không thể tiếp tục để lãng phí.
Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và địa phương, cần tiếp tục tăng năng lực hạ tầng bến cảng và hạ tầng kết nối; đầu tư, nâng cấp hạ tầng như luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải, ưu tiên nạo vét đoạn luồng từ phao “0” vào đến khu bến công-ten-nơ Cái Mép đạt độ sâu đến -15,5m cho tàu lớn ra vào thuận tiện; rà soát lại cầu cảng, bến cảng, tận dụng tài nguyên mặt nước, chiều dài bến đủ tiếp nhận tàu lớn. Phát triển các bến sà-lan (vận tải nội địa), bến tàu Feeder (vận tải ven biển) gom và phân phối hàng cho khu cảng Cái Mép - Thị Vải.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, bộ đang xem xét và bố trí vốn đầu tư nạo vét tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải đạt độ sâu -15,5 m. Đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bến Lức - Long Thành, thúc đẩy hoàn thành tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải - cầu Phước An và đoạn tuyến kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành để thu hút hàng hóa đến cảng... Đồng thời tiếp tục nghiên cứu đoạn đường sắt Biên Hòa - Cái Mép như là một phần nối dài của tuyến đường sắt bắc - nam để vận chuyển hàng hóa từ các vùng miền đến Cái Mép - Thị Vải.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 69 dự án cảng, đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động gần 50 dự án cảng với công suất 141,5 triệu tấn/năm, trong đó hàng công-ten-nơ bằng tàu biển đạt bình quân 2,93 triệu TEU/năm. Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, trong nhiệm kỳ 5 năm 2020 - 2025, khâu đột phá đầu tiên được tỉnh đề ra chính là đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức. Tỉnh ưu tiên dành 20 nghìn tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kết nối giao thông liên cảng, liên vùng. Theo đó, đang tập trung chuẩn bị khởi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, bao gồm cả nhánh kết nối xuống cụm cảng. Ðây là dự án trọng điểm góp phần giảm quá tải cho quốc lộ 51. Giai đoạn 1 đầu tư 38 km đường cao tốc từ Biên Hòa đến thị xã Phú Mỹ và 8,8 km đường nhánh nối vào cảng Cái Mép - Thị Vải. Tiếp đến là khởi công xây dựng cầu Phước An kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành… Cùng với đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng dành 2.000 ha để quy hoạch không gian phát triển hệ thống logistics, trung tâm kiểm hóa hiện đại, chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để phát triển hệ thống hậu cần cảng; thành lập Ban quản lý Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và các hãng tàu khi ra vào hệ thống cảng này; phát triển hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đáng chú ý, trong tháng 6 tới, một trung tâm kiểm hóa hiện đại sẽ được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đưa vào hoạt động tại Cái Mép - Thị Vải.