Kết nối giao thương quốc tế qua hệ thống cảng biển

Hệ thống đường thủy nội địa của Thành phố Hồ Chí Minh kết nối thuận lợi theo cả bốn hướng đông-tây-nam-bắc để đi đến các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và kết nối giao thương quốc tế thông qua hệ thống cảng biển cũng như các tuyến hàng hải. Với những lợi thế này, Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng đến quy hoạch cảng biển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn hàng hải, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Bốc dỡ container ở cảng Cát Lái.
Bốc dỡ container ở cảng Cát Lái.

Đầu tư Cảng mới, di dời cảng trong nội đô

Theo Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2021, hàng hóa qua cảng ở thành phố đạt hơn 160 triệu tấn, vượt 2,6% so với quy hoạch đến năm 2030. Thống kê, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển thành phố tăng trưởng bình quân trong giai đoạn năm 2015-2020 là 7,34%; giai đoạn năm 2021-2025 dự kiến là 5%. Năm 2022, chỉ tính riêng cảng Cát Lái tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng với sản lượng thông qua đạt hơn 5,5 triệu TEUs container (tương đương 78,5 triệu tấn hàng hóa). Ðây cũng là cảng lớn nhất cả nước với công suất 6,4 triệu TEUs/năm. Sản lượng hàng hóa qua cảng này chiếm khoảng 85% so với các cảng phía nam và 50% cả nước.

Xác định vai trò của hệ thống cảng biển, cùng với điều kiện và tiềm năng sẵn có, thành phố đã quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng 5 cảng mới gồm: Cụm cảng trung chuyển - ICD (phường Long Bình, thành phố Thủ Ðức), cảng thủy nội địa Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm logistics Khu công nghệ cao thành phố), cảng cạn ICD khu vực Củ Chi (Trung tâm logistics Củ Chi), cảng thủy nội địa tổng hợp quốc tế ITC và cảng hành khách Mũi Ðèn Ðỏ (Quận 7). Ngoài xây mới 5 cảng, để phát huy thế mạnh sông nước, phát triển hệ thống giao thông thủy, thành phố lập kế hoạch nâng cấp, mở rộng, chỉnh trang 7 bến cảng hiện hữu với tổng vốn đầu tư gần 14 nghìn tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Bùi Hòa An: Việc xây dựng và đưa vào khai thác 5 cảng mới trong giai đoạn 2021-2025 sẽ góp phần phát huy tốt lợi thế hơn 1.000km đường thủy của thành phố. Ðồng thời nếu những công trình này khai thác, kỳ vọng giúp san sẻ 60% vận tải đường thủy và giảm cự ly, chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp.

Cùng với việc đầu tư cảng mới, thành phố sẽ ưu tiên đầu tư các tuyến đường kết nối đến khu cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) nhằm phát huy công suất của cảng Hiệp Phước; Sở Giao thông vận tải cũng hoàn chỉnh đầu tư giao thông ?ường bộ kết nối hạ tầng với hệ thống cảng biển Cát Lái trên sông Ðồng Nai để khai thác tối đa năng lực hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng như: Nút giao Mỹ Thủy, đường Nguyễn Thị Ðịnh, đường liên cảng Cát Lái-Phú Hữu, đường Nguyễn Duy Trinh... Mở rộng đường Lưu Trọng Lư kết nối cảng Tân Thuận với đường Nguyễn Văn Linh, Quận 7…

Thực hiện Quyết định 791/QÐ-TTg ngày 12/8/2005 của Thủ Tướng Chính phủ về di dời, chuyển đổi công năng các cảng trên sông Sài Gòn, đến nay thành phố đã di dời một số bến cảng ra khỏi khu vực nội đô như Cảng Tân Cảng Sài Gòn, (quận Bình Thạnh); Nhà máy Ba Son (Quận 1); Cảng Sài Gòn, Quận 4 đã thực hiện di dời một phần về cảng Hiệp Phước (Nhà Bè)...

Kết nối hạ tầng cảng biển đồng bộ

Theo Quyết định số 1579/QÐ-TTg ngày 22/9/2021 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh là cảng biển loại I gồm các khu bến: Cát Lái - Phú Hữu, Hiệp Phước, sông Sài Gòn, Nhà Bè, Long Bình, Cần Giờ. Trong đó, Khu bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép được quy hoạch là khu bến cảng tiềm năng, có chức năng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố, vùng phụ cận; có bến tổng hợp, container, hàng rời, bến khách quốc tế được phát triển đồng bộ với hạ tầng giao thông kết nối cảng; cỡ tàu trọng tải đến 150 nghìn tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố gửi Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn như các tuyến ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Ðây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thiết kế Cảng kỹ thuật biển, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Logistics thành phố Phạm Anh Tuấn chia sẻ: Thành phố đang đề xuất xây dựng siêu cảng Cần Giờ không chỉ giúp cho sự phát triển của quốc gia, khu vực, mà đây còn là nơi tập trung gom hàng-phân phối hàng cho các quốc gia khác trên thế giới, kéo theo các công ty tài chính, hoạt động vốn cho chủ tàu, chủ hàng… Do đó việc xây dựng cảng mới ở khu vực Cần Giờ giai đoạn 2021-2030 là cần thiết để bảo đảm đáp ứng sản lượng hàng hóa của cảng biển thành phố đến năm 2030. Theo ông Tuấn, có thế mạnh của cảng biển, nhưng từ nhiều năm qua, hoạt động cảng biển của Việt Nam chưa hiệu quả, mới chỉ dừng lại ở việc trung chuyển, bốc xếp hàng hóa tại khu vực cửa ngõ qua tuyến đường thủy nội địa.

Ngoài ra, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong thời gian tới các khu bến trên sông Sài Gòn của cảng biển thành phố sẽ thực hiện di dời, chuyển đổi công năng. Như vậy, việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển trong giai đoạn 2021-2030 là hết sức cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến năm 2030 của thành phố nói riêng cũng như các tỉnh khu vực kinh tế trọng điểm phía nam nói chung.

Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết, qua tính toán đến năm 2025 nguồn thu từ phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt khoảng 16 nghìn tỷ đồng; sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng (có 14 dự án được ưu tiên bố trí vốn). Ðây là một trong những giải pháp nhằm sớm hoàn thành các công trình, giảm áp lực giao thông quanh cảng biển thành phố.

Đến năm 2030, phát triển cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh đồng bộ, hiện đại

Theo kế hoạch triển khai thực hiện phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển thành phố của Tổ công tác liên ngành theo Quyết định số 627/QÐ-UBND ngày 2/3/2022, tổng sản lượng hàng hóa của cảng biển thành phố và các cảng biển khác trong nhóm cảng biển số 4 đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 461 đến 540 triệu tấn (hàng container từ 23 đến 28 triệu TEUs); hành khách từ 1,7 đến 1,8 triệu lượt khách. Phấn đấu đến năm 2030 phát triển cảng biển thành phố (trong nhóm cảng biển nhóm 4) đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội thành phố, bảo đảm quốc phòng-an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.