Đầu năm, nông dân xuống đồng, ngư dân ra biển

NDO - Hương vị Tết đang ngập tràn khắp mọi miền quê, nhưng đối với người nông dân, ngư dân, việc ra đồng, ra biển đầu năm quan trọng tựa như như xuất hành, mở hàng buôn bán.
0:00 / 0:00
0:00
Ngư dân treo cờ Tổ quốc để chuẩn bị vươn khơi, bám biển.
Ngư dân treo cờ Tổ quốc để chuẩn bị vươn khơi, bám biển.

Ở vùng sông nước Cửu Long, nơi được mệnh danh là “gạo trắng nước trong, ngồi không cũng có”.

Chính vì thế, những lúc “trà dư tửu hậu” ngày Tết, người dân nơi đây thường ngâm mấy câu:

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi.

Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè.

Tháng Tư là tháng lè phè.

Tháng Năm, tháng Sáu hội hè vui chơi.

Tháng Bảy là tháng nghỉ ngơi.

Tháng Tám, tháng Chín xả hơi bạn bè.

Tháng Mười, Mười Một xôi chè.

Tháng Chạp cá chép cá mè vớt lên.

Ông Táo dìa trễn mình ên.

Ra Giêng ta lại rập rềnh vui chơi...”.

Quan niệm là vậy. Tuy nhiên, sau những ngày vui Tết, nông dân và ngư dân tỉnh Tiền Giang đồng loạt bắt tay vào công việc để mong cả năm “mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ”.

Nông dân mong mùa màng bội thu

Sau những ngày nghỉ Tết vui vẻ, nông dân lại bắt đầu ra đồng từ sáng sớm để chăm sóc vụ lúa đông xuân 2022-2023. Sáng mùng 6 Tết, giữa cánh đồng bạt ngàn màu xanh của lúa, ông Nguyễn Văn Minh, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cặm cụi nhổ những bụi cỏ dại mọc trong ruộng lúa. Ông Minh chia sẻ: “Mấy công đất trồng lúa nhà đã quá thời gian nhổ cỏ. Trước Tết, gia đình lo làm thuê để kiếm tiền. Tận dụng thời gian này, công việc làm thuê chưa có nên tranh thủ chăm sóc khu ruộng của gia đình”.

Năm qua, năng suất, giá lúa tương đối ổn định nên cuộc sống gia đình ông Minh tạm ổn, không lo thiếu trước hụt sau. Mỗi năm thu gần 10 tấn lúa, cộng với tiền đi làm thuê, gia đình ông Minh cũng dè sẻn nuôi các con khôn lớn, cuộc sống ổn định hơn. Ông Minh mong muốn năm 2023, giá cả vật tư nông nghiệp, giá lúa gạo luôn ổn định để nhà nông có thể sống được trên mảnh đất của mình.

Cánh đồng lúa mênh mông ở huyện Cái Bè sáng mùng 6 Tết có phần nhộn nhịp. Người ra thăm đồng, người nhổ cỏ, người phun thuốc… Ông Lê Văn Tâm, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đang phun thuốc bảo vệ thực vật trên 0,7ha lúa. Ông Tâm cho biết, giai đoạn này, rầy nâu đang nở và có nguy cơ gây hại trên cây lúa. Ngay đầu năm, ông tranh thủ phun thuốc ngừa rầy nâu trước. Năm ngoái, gia đình lo ăn Tết, không thăm đồng nên ruộng lúa của ông bị cháy do rầy nâu gây ra, làm giảm năng suất rất nhiều.

Trên những cánh đồng ở huyện Cái Bè, Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang đâu cũng thấy nông dân “ra quân” vào mùng 6 Tết. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, còn chật vật với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” nhưng ở họ vẫn toát lên niềm tin tưởng lạc quan, hy vọng vào những vụ mùa thắng lợi…

Ngư dân mong “mưa thuận gió hòa”

Khi nhiều người vẫn còn ngây ngất men xuân thì cũng là lúc ngư dân huyện Gò Công Đông và thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cùng nhau chuẩn bị nhu yếu phẩm để chờ ngày dong thuyền ra khơi mở màn cho một mùa đánh bắt mới. Với ngư dân, chuyến đi biển đầu tiên của năm mới có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó có nhiều quan niệm tâm linh gắn liền với sự may mắn. Mở biển đầu năm thuận buồm xuôi gió là báo hiệu cả năm gặt hái thắng lợi.

Đầu năm, nông dân xuống đồng, ngư dân ra biển ảnh 1

Đầu năm, nông dân xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang ra đồng phun thuốc.

Về thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) mùng 6 Tết, đúng ngày ngư dân xuất hành, không khí trên bờ cũng như dưới tàu rộn ràng hơn bao giờ hết. Dọc các tuyến đường dẫn vào cảng cá, các hàng quán đã được “phủ” bởi ngư dân. Còn tại cảng cá, nhiều ngư dân bắt đầu vận chuyển các hàng thực phẩm như gạo, rau, thịt… xuống tàu, các chủ tàu xem bơm dầu, chuyển nước đá xuống tàu.

Ông Quách Văn Sanh, thị trấn Vàm Láng có 2 tàu chuẩn bị đầy đủ các thứ để xuất hành cho biết: “Mùng 6 Tết, thủy triều dâng cao, con nước đầy, theo tín ngưỡng của ngư dân làm biển, đó là điều may mắn, thích hợp với việc khai trương, xuất hành. Vì vậy, từ sáng sớm, nhiều tàu đánh bắt hải sản đã xuất hành vươn khơi, mở đầu cho mùa biển mới. Đầu năm mới, thời tiết bắt đầu ấm lên, nước ấm hy vọng đánh bắt sẽ gặp nhiều thuận lợi vì con cá, con mực hay dựa theo dòng nước ấm. Cùng với yếu tố thiên nhiên, việc giá dầu bình ổn ở mức thấp khiến bà con ngư dân rất phấn chấn. Mùa biển năm nay, chúng tôi hy vọng sẽ gặp nhiều thành công”.

Anh Nguyễn Ngọc Hải cùng với 8 ngư dân khác ở thị trấn Vám Láng chuẩn bị nhu yếu phẩm để vươn khơi bám biển đầu năm tâm sự: “Đối với người dân vùng biển, cứ vào ngày tốt, nhắm chừng biển lành mà ra quân đánh bắt đầu năm. Bởi, dân biển chúng tôi thường quan niệm, đầu năm đánh được mẻ cá thì xem như cả năm “thuận buồm xuôi gió”. Chính vì thế, mới mùng 2, mùng 3 Tết đã có hàng trăm tàu cá ra khơi, thậm chí có nhiều tàu còn đón giao thừa ngay trên biển”. Theo anh Hải, do xuất quân để lấy ngày, thời gian đi biển lại ngắn nên tàu nào khai thác được vài tấn là chuyến đi biển đó thành công. Tuy nhiên, do trúng luồng cá, có nhiều tàu đánh bắt được hàng chục tấn, chủ tàu và bạn ghe xem như trúng mánh, được hưởng lộc biển đầu năm.

Cũng trong sáng sớm mùng 6 Tết, những chiếc tàu của gia đình ông Nguyễn Văn Bình, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cũng đã chuẩn bị đầy đủ hàng để chờ thời gian xuất hành. Ông Bình cho biết, năm 2022, 3 chiếc tàu của ông đánh bắt chuyến biển cuối lãi trên 250 triệu đồng/chiếc và bạn ghe cũng chia được kha khá tiền để ăn Tết. Chi phí của giá dầu chiếm 80% của chuyến biển, nếu giá dầu giảm thì lợi nhuận tăng thêm, cũng như tác động đến một số mặt hàng dịch vụ khác như đá lạnh, ngư cụ cũng giảm theo. Giá hải sản giữ mức ổn định như hiện nay là động lực lớn để bà con yên tâm bám biển”.

Tỉnh Tiền Giang có khoảng 1.400 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có 176 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Hương vị Tết đang ngập tràn khắp mọi miền quê, nhưng đối với người nông dân, ngư dân, việc ra đồng, ra biển đầu năm quan trọng tựa như như xuất hành, mở hàng buôn bán. Bà con ai nấy cũng đều kỳ vọng năm mới mưa thuận gió hòa, sản xuất an toàn, mùa màng bội thu, giá cả ổn định.