Nông dân Hậu Giang vui xuân không quên đồng ruộng

NDO - Những ngày qua, với điều kiện thời tiết nhiều bất lợi cho cây lúa, nên ngoài việc vui Xuân đón Tết, nông dân Hậu Giang vẫn thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm, phòng trừ các sinh vật phát sinh gây hại cây lúa.
0:00 / 0:00
0:00
Lão nông Tư Kiêm thăm đồng sáng Mùng 4 Tết.
Lão nông Tư Kiêm thăm đồng sáng Mùng 4 Tết.

Sáng 25/1 (Mùng 4 Tết), lão nông Tư Kiêm ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy (Hậu Giang), vừa uống vội tách trà ấm, vừa hối thúc đứa con trai cùng đi ra thăm đồng. Ông Tư Kiêm thăm vạt lúa bên này, còn đứa con thăm vạt lúa bên kia.

Ông Tư Kiêm kể rằng, hồi 28 Tết, đứa em trai của ông có 3 công lúa bị nhiễm rầy nâu khá nặng. Cũng may nhờ phát hiện sớm, phun xịt thuốc kịp thời, nhưng cũng có gần 300 m2 lúa bị cháy đỏ như tôm luộc. Do vậy, bên cạnh vui xuân đón Tết, nhưng ngày nào gia đình ông cũng dành hai, ba tiếng đồng hồ để đi thăm đồng.

Thăm đồng không chỉ đi trên bờ đê ngắm cảnh, mà phải vạch từng đám lúa mới phát hiện được dịch gây hại, nên mất rất nhiều thời gian.

Vụ lúa đông xuân năm nay, ông Tư Kiêm gieo sạ 2ha, với giống lúa RVT, đến nay được 62 ngày tuổi. Qua thăm đồng, cho thấy mật số rầy nâu trên lúa của ông rất thấp, không đáng kể. Với kinh nghiệm của mình, ông Tư Kiêm đoán năng suất lúa của gia đình sẽ đạt từ khoảng 1,2 tấn/công. Hiện đã có thương lái đặt cọc với giá thu mua 7.000 đ/kg.

“Người làm lúa ở đây xem vụ đông xuân là “vụ mứt nhất” (vụ lúa chính trong năm), nên không lơ là trong chăm sóc, với kỳ vọng thu lợi nhuận cao” – Ông Tư Kiêm, bộc bạch.

Thăm 1,6ha lúa đông xuân của gia đình được hơn 50 ngày tuổi, ông Nguyễn Văn Năng, ở ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, cho hay: “Thời tiết bây giờ không còn theo quy luật, nên dịch hại trên lúa cũng xuất hiện nhiều hơn trước. Vì vậy, tôi và bà con nơi đây thường xuyên đi thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trị sinh vật hại được hiệu quả, hạn chế sự gây hại của dịch bệnh. Mong muốn chung của bà con là vụ lúa đông xuân năm nay sẽ gặp thuận lợi, trúng mùa, bán được giá cao”.

Cùng ý thức vui xuân không quên ruộng đồng, ông Nguyễn Văn Mười Một, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, thông tin: Mọi chi phí đầu tư cho cây lúa năm nay đang ở mức cao, nhất là tiền phân bón. Nếu chỉ lo vui Tết, để dịch hại tấn công, gây giảm năng suất thì nông dân sẽ chịu thiệt hại không nhỏ. Cũng may là các trà lúa trên cánh đồng nơi đây được hơn 50 ngày tuổi và đang phát triển khá tốt, chưa xuất hiện sâu bệnh gì đáng kể và hứa hẹn sẽ cho năng suất cao khi thu hoạch.

Sự lo lắng, không lơ là của bà con trong dịp Tết này là không thừa, khi mà những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số cơn mưa trái mùa nặng hạt, đặc biệt là vào sáng sớm có sương mù dày đặc trên các cánh đồng lúa đông xuân.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh thì với tình hình thời tiết như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sinh vật phát triển và gây hại nặng trên các trà lúa đông xuân, nhất là giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ.

Do đó, để bảo vệ tốt cho vụ lúa chính trong năm, bà con nông dân trong tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa và điều trị các đối tượng dịch hại cho cây lúa.

Nông dân Hậu Giang vui xuân không quên đồng ruộng ảnh 1

Nông dân bón phân, chăm sóc lúa trong những ngày Tết.

Vụ lúa đông xuân 2022-2023, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xuống giống được hơn 75.433ha, trong đó lúa ở giai đoạn mạ có khoảng 6.000ha, giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng có khoảng 68.000ha, giai đoạn trổ chín có khoảng 1.600ha.

Ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm này có gần 300ha lúa đông ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng bị dịch hại muỗi hành tấn công, tỷ lệ nhiễm muỗi hành từ 5-10% trên cùng diện tích canh tác; có 2.452ha lúa đông xuân bị nhiễm sinh vật gây hại, chủ yếu như: rầy nâu nhiễm 134ha, sâu cuốn lá nhiễm 212ha, chuột cắn phá gây hại 641ha, bệnh đạo ôn lá nhiễm 884ha,…

Theo ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, một số dịch hại có thể xuất hiện vào thời điểm này, nông dân cần chú ý theo dõi và phòng ngừa hiệu quả.

Cụ thể, bệnh đạo ôn lá có khả năng phát triển mạnh trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh và tập trung gây hại trên những giống lúa mẫn cảm như Đài Thơm 8, OM 18; bệnh bạc lá (cháy bìa lá) có khả năng gây hại nặng trên ruộng lúa ở giai đoạn đòng và trổ, nhất là những ruộng gieo sạ dày, bón thừa phân đạm, tập trung ở các giống lúa RVT, OM 5451.

Đáng chú ý, qua theo dõi tình hình rầy nâu vào đèn và kết quả điều tra đồng ruộng mới đây cho thấy, trên địa bàn tỉnh sẽ có đợt rầy cám đang nở ở tuổi 2-3, với mật số phổ biến từ 500-1.000 con/m2.

Dự báo sẽ có một đợt rầy cám nở rộ từ ngày 22 đến 27/1 này (nhằm ngày mùng 1 đến mùng 7 Tết), trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng và trổ đồng thời dự báo khả năng mật số rầy nâu sẽ cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây do điều kiện vụ lúa đông xuân năm nay rất thuận lợi cho rầy nâu phát triển.

Nông dân Hậu Giang vui xuân không quên đồng ruộng ảnh 2

Nông dân ở Long Mỹ phun thuốc diệt sinh vật gây hại.

Theo dự báo thời tiết trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh thì ban đêm lạnh, sáng sớm có nhiều sương mù, ngày nắng nhưng có mưa vừa rãi rác ở một vài nơi.

Với điều kiện thời tiết như trên sẽ tạo thuận lợi cho sinh vật phát sinh và gây hại cây lúa; đặc biệt là muỗi hành và sẽ có lứa rầy cám nở trong vòng 7-10 ngày tới.

Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến cáo nông dân vui xuân nhưng không quên đồng ruộng. Trong đó, cần chú ý theo dõi mật số rầy nâu trên đồng ruộng để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, cho biết: Đơn vị cũng đã khuyến cáo nông dân vui xuân đón Tết nhưng không quên đồng ruộng.

Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn của ngành cần tăng cường thăm đồng và xây dựng kế hoạch về việc tổ chức tập huấn tình hình dịch hại và đã hướng dẫn biện pháp phòng trừ cho bà con ngay trước Tết đối với các khu vực được dự báo về tình hình dịch hại sẽ bộc phát, đồng thời cần chú ý các vùng có trồng giống lúa thơm chất lượng cao như OM 5451, RVT, Đài Thơm 8, ST 24, ST 25,…

Chỉ đạo các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ thường xuyên phối hợp Trạm thủy lợi để cập nhật số liệu về diễn biến mặn xâm nhập trên địa bàn nhằm cung cấp thông tin sớm, kịp thời giúp nông dân chủ động phòng tránh mặn cho lúa, cây ăn trái và rau màu.