Dấu ấn 60 năm ngành văn thư và lưu trữ nhà nước

NDO - Ngày 31/8, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập (4/9/1962-4/9/2022), với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan, cùng đông đảo cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của Cục qua các thời kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn thư, lưu trữ. (Ảnh: H.Long)
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn thư, lưu trữ. (Ảnh: H.Long)

Nhìn lại chặng đường 60 năm hình thành, phát triển, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh: Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 4/9/1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102-CP về việc thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng, có chức năng giúp nhà nước quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho nhà nước trong việc ban hành các chế độ, quy định về công tác lưu trữ. Kể từ đó, nước ta có một cơ quan quản lý cao nhất về công tác lưu trữ, tạo điều kiện xây dựng ngành lưu trữ với hệ thống các văn bản pháp lý, hệ thống cơ sở khoa học nghiệp vụ và hệ thống tổ chức bộ máy và con người ngày càng hoàn chỉnh hơn.

60 năm qua, Cục đã quản lý, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nghiệp vụ nhằm bảo quản và phát huy hiệu quả khối di sản tư liệu quý giá của quốc gia, bao gồm hơn 33.000m giá tài liệu trên nhiều vật mang tin khác nhau, phản ánh đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 đến nay. Trong đó có hai Di sản tư liệu thế giới là Mộc bản triều Nguyễn và Châu bản triều Nguyễn; hai Bảo vật quốc gia là Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1945-1946, và Sưu tập Phác thảo các mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước. Hệ thống văn bản, pháp luật về văn thư, lưu trữ ngày càng dần được hoàn thiện, tạo cơ sở cho việc thực hiện công tác văn thư, lưu trữ tại các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Các trung tâm lưu trữ quốc gia đã tổ chức hơn 100 cuộc triển lãm, trưng bày tài liệu lưu trữ, trong đó có nhiều triển lãm quốc tế với quy mô lớn, thu hút số lượng lớn khách trong và ngoài nước đến tham quan; cùng với đó các ấn phẩm xuất bản, các phim tư liệu về tài liệu lưu trữ được xây dựng với nội dung đa dạng, chất lượng. Mỗi năm, các trung tâm lưu trữ quốc gia phục vụ hơn 5.000 lượt độc giả trong và ngoài nước, cấp bản sao, chứng thực hơn 100.000 trang tài liệu lưu trữ, đón hơn 30.000 lượt khách đến tham quan khu trưng bày tài liệu lưu trữ.

Với những thành tựu đạt được, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2002), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2016), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2007) cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: Nhìn lại chặng đường 60 năm hình thành và phát triển, chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu to lớn và truyền thống vẻ vang của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Trong bối cảnh nước ta đang thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, đòi hỏi Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phải đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong công tác văn thư và bảo quản, phát huy cao độ giá trị tài liệu lưu trữ, nhằm phục vụ rộng rãi công chúng và xã hội, đáp ứng yêu cầu kiến thiết quốc gia hưng thịnh trên mọi phương diện.

Cục trưởng Đặng Thanh Tùng cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ và tài liệu lưu trữ trên cơ sở nâng cao nhận thức về vai trò của công tác văn thư, lưu trữ và giá trị của tài liệu lưu trữ; Hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; Tinh giản bộ máy hợp lý kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm công tác văn thư, lưu trữ chuyên nghiệp, hiện đại, tinh thông nghiệp vụ, từng bước làm chủ công nghệ hiện đại quản lý tài liệu lưu trữ trong thời đại 4.0; Hiện đại hóa công tác văn thư, lưu trữ, xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống quản lý tài liệu điện tử bảo đảm quản lý tài liệu điện tử của các cơ quan, tổ chức; Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ lưu trữ; Đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ.

Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Nội vụ đã trao Bằng khen cho những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn thư lưu trữ. Cũng nhân dịp này, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức trưng bày giới thiệu về các di sản tư liệu thế giới, bảo vật quốc gia cùng một số tài liệu lưu trữ quý.