Diễn đàn chủ nhật

Làm giàu kho lưu trữ hình ảnh động quốc gia

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ngành điện ảnh gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc các rạp chiếu phim đóng cửa, nhiều dự án điện ảnh chậm phát hành, ảnh hưởng tới doanh thu, kế hoạch phát triển.

Tuy nhiên, đây cũng là lúc ngành rà soát, kiện toàn các hoạt động để phù hợp bối cảnh và tạo nên sự bứt phá ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất chính là công tác lưu chiểu, lưu trữ phim và bảo quản, khai thác tư liệu điện ảnh. Trong đó, Viện Phim Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) giữ vai trò quan trọng khi đang lưu trữ, bảo quản tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong điều kiện nghiêm ngặt hơn 80.000 cuốn phim nhựa 16 mm và 35 mm; gần 20.000 tên phim; khoảng 10.000 phim vi-đê-ô, phim kỹ thuật số và các loại tư liệu hình ảnh động định dạng kỹ thuật khác với nhiều tác phẩm có giá trị về Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Sau 40 năm xây dựng và phát triển, được đánh giá là một trong những kho lưu trữ phim tốt nhất trong khu vực Ðông - Nam Á, nhưng công tác lưu chiểu, lưu trữ phim và bảo quản, khai thác tư liệu điện ảnh tại Viện Phim Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế. Trước đây, các quy định về nộp lưu chiểu, lưu trữ phim không chặt chẽ đã dẫn đến việc mất mát vật liệu gốc hoặc không thực hiện được lưu chiểu, lưu trữ đối với nhiều cơ sở sản xuất phim và truyền hình. Trong thời kỳ chuyển đổi cơ chế của các đơn vị điện ảnh, hàng loạt phim cũng không được nộp vào kho lưu trữ phim quốc gia.

Từ khi Luật Ðiện ảnh ra đời năm 2006, các quy định về trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phim đã bước đầu tạo được cơ sở pháp lý để Viện Phim Việt Nam thuận lợi triển khai công tác lưu chiểu, lưu trữ. Dù vậy, tính từ năm 2007 đến 2018, Viện Phim chỉ nhận được một số lượng ít ỏi phim nộp về. Cụ thể, số phim chưa nộp lưu chiểu, gồm: 272 phim truyện, 57 phim tài liệu, 9 phim hoạt hình; số phim chưa nộp lưu trữ, gồm: 12 phim truyện, 31 phim tài liệu, 12 phim hoạt hình. Ðáng chú ý, riêng mảng phim truyện do các hãng phim tư nhân sản xuất, chỉ có ba trong số 266 phim đã sản xuất thực hiện nộp lưu chiểu; phim tài liệu dạng kỹ thuật số (Betacam) còn 52 phim chưa nộp lưu chiểu. Ngay cả các hãng phim nhà nước (hiện đã chuyển đổi thành các công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên) vẫn còn nhiều phim chưa nộp lưu chiểu, lưu trữ.

Theo đánh giá từ giới chuyên môn, nếu tình trạng nêu trên kéo dài, chỉ khoảng 10 đến 20 năm nữa, kho lưu trữ hình ảnh động quốc gia - Viện Phim Việt Nam sẽ thiếu hụt nghiêm trọng. Chưa kể, vài năm trở lại đây, khi công nghệ sản xuất phim kỹ thuật số đang dần thay thế cho phim nhựa, vấn đề tiếp nhận phim, nhất là phim truyện càng trở nên khó khăn hơn. Phân tích nguyên nhân dẫn tới những bất cập tồn tại trong thời gian dài, các chuyên gia cho rằng, một số quy định trong Luật Ðiện ảnh về lưu chiểu, lưu trữ phim có nhiều điều khoản không còn phù hợp sự phát triển, thay đổi mạnh mẽ của thực tiễn ngành điện ảnh. Bên cạnh đó, chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể, cho nên khi triển khai công tác lưu chiểu, lưu trữ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, trong các quy định tại Luật Ðiện ảnh về lưu chiểu, lưu trữ, chưa có điều khoản mang tính ràng buộc, tác động đến trách nhiệm, quyền lợi của các đơn vị sản xuất phim với các cơ sở lưu trữ, điều này làm giảm tính hiệu quả của Luật.

Để công tác lưu chiểu, lưu trữ hiệu quả, cần bổ sung những quy định cụ thể hơn trong Luật Ðiện ảnh; bổ sung các loại vật liệu nộp lưu chiểu, lưu trữ phù hợp xu hướng làm phim mới hiện nay và trong tương lai; cần xem xét các điều khoản nhằm ràng buộc trách nhiệm, quyền lợi của các đơn vị sản xuất phim với cơ sở lưu trữ. Bên cạnh đó, Viện Phim Việt Nam cũng cần được quan tâm, đầu tư kịp thời, đồng bộ cho hệ thống trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo quản và số hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, việc nhìn nhận thực trạng, điều chỉnh các quy định trong Luật Ðiện ảnh để phù hợp xu hướng phát triển là điều kiện quan trọng giúp cơ sở lưu chiểu, lưu trữ phim hoạt động hiệu quả, bảo quản và phát huy tốt nguồn tư liệu hình ảnh động quốc gia.

MAI LỮ