Đào tạo về bệnh dại, phòng chống bệnh dại trong trường học

NDO - Ngày 3/11, hơn 30 cán bộ quản lý và giáo viên các trường Trung học cơ sở công lập trên địa bàn quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã tham gia một khóa đào tạo về bệnh dại, phòng chống bệnh dại và tác hại tiêu cực của hoạt động buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo và thảo luận cách thức truyền tải các nội dung này trong các hoạt động đào tạo tại trường.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh khóa đào tạo về bệnh dại, phòng chống bệnh dại.
Toàn cảnh khóa đào tạo về bệnh dại, phòng chống bệnh dại.

Sự kiện do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Quận Đống Đa - Thành phố Hà Nội phối hợp với Tổ chức Truyền thông thay đổi hành vi Intelligentmedia và Tổ chức Soi Dog International Foundation tổ chức.

Hoạt động buôn bán và tiêu thụ thịt chó và mèo đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam ngày càng thể hiện mong muốn chấm dứt hoạt động này. Phúc lợi động vật và nguy cơ phát sinh dịch bệnh truyền từ động vật sang người là những lý do chính thúc đẩy mong muốn này.

Thanh thiếu niên Việt Nam, đặc biệt là các em học sinh trung học cơ sở sẽ là những lá cờ đầu tham gia giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo. Để các em vững vàng trong vai trò của mình, không ai khác các thầy giáo, cô giáo chính là những người dẫn đường.

Vì vậy, chương trình tập huấn tập trung nâng cao kiến thức và kỹ năng để các thầy, cô giáo có thể tự tin giảng dậy và truyền đạt kiến thức về nội dung này trong các tiết học ngoại khóa cũng như khuyến khích các em học sinh của mình tham gia vào việc ngăn ngừa lan truyền dịch bệnh từ động vật sang người.

Ông Rahul Sehgal, Giám đốc về Chính sách Quốc tế, Tổ chức Soi Dog International Foundation cho biết: "Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của thế hệ trẻ trong việc dẫn dắt xã hội trong tương lai. Bằng việc cung cấp kiến thức, thông tin và những kỹ năng cần thiết, chúng tôi tin rằng thanh thiếu niên Việt Nam có thể thúc đẩy những thay đổi xã hội tích cực, phòng chống bệnh dại, sống an toàn - nhân đạo với vật nuôi, bao gồm việc ngừng tiêu thụ thịt chó và mèo. Điều này giúp đẩy lùi bệnh dại và nhiều bệnh truyền nhiễm khác từ chó, mèo sang con người".

Khóa đào tạo cung cấp lý thuyết và kiến thức chung về việc bệnh dại, phòng chống bệnh dại liên quan đến nuôi an toàn, buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo và các kỹ năng cần thiết để nâng cao kiến thức và năng lực cá nhân của các thầy, cô giáo trong việc lồng ghép nội dung này vào các tiết học ngoại khóa tại trường mình.

Bà Trịnh Đan Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Đống Đa - Thành phố Hà Nội cho biết: "Chúng tôi nỗ lực trong khả năng của mình để giáo dục các em về bệnh dại, cách phòng chống bệnh dại, sống an toàn - nhân đạo với vật nuôi để dần hướng tới việc không còn hoạt động buôn bán, tiêu thụ thịt chó mèo".

Khóa đào tạo ghi nhận một buổi dạy thử có lồng ghép các nội dung về bệnh dại, phòng chống bệnh dại, bảo vệ động vật nuôi bao gồm chó, mèo đầy sôi động và nhiều tương tác.

Các thầy, cô giáo được chia thành các nhóm và thảo luận cách thức có thể lồng ghép vấn đề này để trao đổi, hướng dẫn với học sinh trong các giờ học ngoại khóa của mình.

Các chuyên gia và các thầy, cô giáo có cơ hội thảo luận một cách cởi mở và chi tiết về phương pháp sáng tạo và hiệu quả nhất đảm bảo việc truyền tải kiến thức có thể khuyến khích các em học sinh tham gia.

Bà Bùi Thị Duyên, Giám đốc Bộ phận Truyền thông Thay đổi Hành vi của Intelligentmedia cho biết: "Việc cung cấp thông tin và kiến thức để các thầy, cô giáo và các em học sinh hiểu vì sao cần phải hiểu rõ về bệnh dại, phòng chống bệnh dại, sống an toàn và nhận đạo với vật nuôi từ đó hướng tới chấm dứt việc tiêu thụ thịt chó và mèo là nền tảng đầu tiên trong quá trình thay đổi hành vi của chính họ và những người khác.

Các thầy, cô giáo và các em học sinh sẽ tiếp tục hành trình của mình trong việc khuyến khích gia đình, bạn bè và xã hội – đều có thể là những người tiêu dùng hiện tại hoặc trong tương lai nói không với việc tiêu thụ thịt chó, mèo".