Làm gì để bảo vệ bản thân trước nguy cơ mắc bệnh dại

NDO - Cứu hộ hàng trăm chú mèo hoang về chăm sóc, N.Đ.V.K và chồng Đ.D.T.L (quận 7, TP Hồ Chí Minh) thường xuyên bị cào, cắn, để lại nhiều vết trầy xước trên da. Do bận không kịp đưa lũ mèo đi tiêm vaccine phòng bệnh, nên hai vợ chồng quyết định tiêm vaccine dự phòng trước phơi nhiễm dại để chủ động phòng bệnh, an tâm chăm sóc lũ mèo hoang.
0:00 / 0:00
0:00
Thành Nguyễn (18 tuổi) tiêm vaccine phòng dại trước khi trở lại Canada tiếp tục học tập.
Thành Nguyễn (18 tuổi) tiêm vaccine phòng dại trước khi trở lại Canada tiếp tục học tập.

Bệnh dại chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm

Vợ chồng anh L. là một trong số rất đông người lựa chọn đi tiêm vaccine phòng dại gần đây. Theo anh L., những con mèo được cứu hộ có nguy cơ mắc bệnh dại cao. Việc tiêm vaccine dự phòng sẽ tốt hơn nhiều so với phải tiêm huyết thanh kháng dại vì tiêm huyết thanh này sẽ gây ra nhiều phản ứng phụ.

Cũng với quan điểm này, chị T.C (32 tuổi) là nhân viên một spa chăm sóc thú cưng cũng rất lo ngại mắc bệnh dại từ những thú cưng. “Tôi phải thường cắt, tỉa lông, móng cho chó mèo nên thường hay bị cào, cắn, chưa kể chúng còn thường hay bệnh, nên tôi rất sợ bị bệnh dại do thú cưng truyền sang”, chị C. tâm sự.

Thành Nguyễn (18 tuổi) đến Trung tâm tiêm chủng VNVC Hoàng Văn Thụ (TP Hồ Chí Minh) để tiêm vaccine dự phòng trước phơi nhiễm dại và một số loại vaccine khác như thương hàn, viêm gan B. Đây là cách em tự bảo vệ bản thân trước khi trở lại Canada tiếp tục học tập.

Gần đây, cả nước ghi nhận nhiều ổ dịch chó dại, ca tử vong do chó dại cắn do không tiêm vaccine phòng dại. Đáng lưu ý, có một số ca tử vong sau nhiều tháng bị chó dại cắn.

Tại Việt Nam, do việc quản lý nuôi, nhốt chó mèo còn hạn chế, tình trạng chó không được tiêm phòng dại, không rọ mõm và thường xuyên thả rông khá phổ biến nên nguy cơ người dân tiếp xúc với virus dại khá cao.

Dại có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, gần như 100% bệnh nhân tử vong khi lên cơn dại. Bệnh lây truyền chủ yếu do bị chó, mèo mang virus dại cắn, cào, liếm trên da bị tổn thương. Một số đường lây khác ít phổ biến hơn như tiếp xúc chất tiết, mẫu bệnh phẩm có virus dại, ghép tạng…

Làm gì để bảo vệ bản thân trước nguy cơ mắc bệnh dại ảnh 1
Người dân tiêm vaccine dại dự phòng trước phơi nhiễm.

Bệnh dại có 2 thể gồm thể cuồng và thể liệt. Ở thể cuồng, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là sốt cao, đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương.

Khi virus xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, hành vi hung hăng, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp, lú lẫn, co thắt cơ bắp, ngưng tim. Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể nhai, nuốt, uống nước. Người bệnh thường chết chỉ sau một tuần kể từ ngày phát bệnh.

Thể bại liệt ít gặp hơn, khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiêu tiểu, liệt tay chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp. Khi phát dại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc chết.

Quá trình ủ bệnh của virus dại rất phức tạp, có thể chỉ trong vòng 7 đến 10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài vài năm, thậm chí là hơn 1 năm, tùy thuộc vào mức độ nặng, nhẹ và vị trí vết cắn của động vật.

Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng từ tháng 5 tới tháng 8 hàng năm do thời tiết nóng ẩm làm virus dại phát triển. Trung bình mỗi năm có khoảng 500.000 người phơi nhiễm dại và hơn 70-100 người mắc bệnh dại tử vong. Từ đầu năm đến cuối tháng 7, cả nước ghi nhận 43 ca tử vong do bệnh dại. Trong đó, miền bắc 20 ca, miền nam 9 ca, miền trung 5 ca và khu vực Tây Nguyên 11 ca (Gia Lai 8 ca và Đắk Lắk 3 ca).

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho hay, gần đây, 125 trung tâm trên toàn quốc ghi nhận số người dân đến tiêm vaccine dại tăng cao, trong đó có nhiều người chủ động tiêm vaccine dự phòng trước khi bị chó mèo, cắn.

“Theo số liệu thống kê, số người tiêm vaccine dại cao nhất là ở miền Tây Nam Bộ, tăng gần 600% so với 2 tuần trước”, bác sĩ Chính cho biết.

Đối tượng nào nên tiêm phòng dại

Bác sĩ Chính cảnh báo, hiện nhiều người dân vẫn còn có quan niệm vết thương chảy máu mới gây dại, bệnh dại có thể chữa bằng thuốc nam, đắp lá cây, đi thầy lang lấy độc hoặc từ chối tiêm vaccine dại vì sợ vaccine dại làm mất trí nhớ, kém thông minh…

Các chuyên gia khẳng định, hiện nay chưa có một bài thuốc đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa được bệnh dại, việc thực hiện các biện pháp này không có tác dụng. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vaccine dại và huyết thanh kháng dại.

Khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong khoảng thời gian 10-15 phút và sát trùng vết thương với cồn 70% hoặc cồn iod. Sau đó, nhanh chóng đến cơ sở y tế để điều trị vết thương và tiêm vaccine phòng dại hoặc huyết thanh kháng dại theo tư vấn của bác sĩ càng sớm càng tốt, đúng và đủ liều theo phác đồ điều trị.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, theo hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người do Bộ Y tế ban hành, việc tiêm vaccine dự phòng bệnh dại và tiêm nhắc lại theo định kỳ được khuyến cáo đối với những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virus dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại.

Vaccine dự phòng trước phơi nhiễm dại chỉ cần tiêm 3 mũi, hoàn toàn linh động về mặt thời gian. Khi chẳng may bị chó, mèo cắn, lịch tiêm sẽ đơn giản hơn, chỉ cần tiêm 2 mũi vaccine mà không cần phải tiêm huyết thanh kháng dại.

Vaccine dại thế hệ mới dùng kỹ thuật ly tâm phân đoạn, bảo đảm tạp chất ở mức thấp và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) (thấp hơn 10 nanogram mỗi liều).

Trong khi đó, nếu không tiêm phòng dại trước khi bị chó, mèo cắn thì cần phải tiêm 5 mũi với thời gian khắt khe trong một tháng. Đặc biệt, trường hợp bị vết thương nặng, vị trí trọng yếu thì cần phải tiêm huyết thanh, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và lịch sinh hoạt cũng như là phải chịu đựng đau đớn hơn và nhiều tác dụng phụ hơn.

Đối với trẻ em, việc tiêm ngừa dại trước phơi nhiễm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì trẻ em do mải chơi không chia sẻ với cha mẹ bị chó, mèo cào, cắn. Trẻ hay bị chó cắn ở đầu, mặt, cổ, dễ khiến virus dại di chuyển nhanh hơn lên hệ thần kinh trung ương và gây bệnh nhanh.

"Hiện nay vaccine phòng dại đã được sản xuất bởi công nghệ hiện đại, không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe hay trí nhớ của người dùng", bác sĩ Chính nhấn mạnh.

Vaccine dại thế hệ mới dùng kỹ thuật ly tâm phân đoạn, bảo đảm tạp chất ở mức thấp và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) (thấp hơn 10 nanogram mỗi liều). Một số loại vaccine không sử dụng chất bảo quản thimerosal (thủy ngân), do đó vaccine dại thế hệ mới cũng giảm tối đa các tác dụng phụ tại chỗ như sưng, đau, sốt… so với vaccine thế hệ cũ đã ngừng sử dụng.

Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, nhu cầu tiêm vaccine dại có quanh năm nhưng thường có chu kỳ tăng đột biến vào một vài thời điểm trong năm. VNVC luôn có đầy đủ các vaccine dại thế hệ mới, an toàn và hiệu quả cao cho trẻ em và người lớn, người dân có thể chủ động tiêm dự phòng trước và tiêm ngay khi có sự cố xảy ra để kịp thời bảo vệ sức khoẻ và tính mạng.