Tăng cường phòng chống bệnh dại trong mùa nắng nóng

Thời kỳ nắng nóng là thời điểm bệnh dại từ chó, mèo gia tăng. Tại Đắk Lắk, số lượng chó, mèo khá lớn, người dân lại có thói quen nuôi thả rông, chưa quan tâm tiêm phòng vắc-xin ngừa bệnh dại. Vì vậy, mỗi khi mùa nắng nóng đến là nỗi lo về bệnh dại cũng gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk Hoàng Hải Phúc cho biết, khoảng một tháng gần đây, toàn tỉnh ghi nhận hai trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh dại.

Gần nhất, ngày 7/5, bệnh nhân K.O.A, 78 tuổi, trú tại buôn Jung 2, xã Ea Yông (huyện Krông Pắc) khởi phát bệnh với các triệu chứng như: Khó thở, khó nuốt, nói nhảm... Đến ngày 8/5, bệnh nhân được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc, sau đó được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị và được chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn.

Chiều cùng ngày, bệnh nhân được người thân xin đưa về và tử vong tại nhà vào ngày 9/5. Theo người nhà bệnh nhân, trước đó vào khoảng tháng 12/2022 bệnh nhân bắt chó lạ ngoài đường về nuôi và bị chó cắn vào ngón trỏ tay trái, ba ngày sau con chó chết nhưng bệnh nhân không đi tiêm phòng dại.

Trước đó, ngày 10/4, tại tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân là Đ.N.Y (nữ, sinh năm 2014, trú tại thôn Hòa Lộc, xã Chư Kpô, huyện Krông Búk). Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 9/4 với các triệu chứng như: Sốt cao, nôn ói, sợ nước, sợ gió, ăn uống bị sặc, cho nên gia đình đưa đến bệnh viện để điều trị. Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng co rút toàn thân, sợ nước, sợ gió,… được chẩn đoán theo dõi bệnh dại.

Đến 15 giờ ngày 10/4, sau khi được các bác sĩ giải thích về tình hình bệnh, người nhà bệnh nhân xin cho đưa về nhà. Đến 17 giờ ngày 10/4, bệnh nhân tử vong. Trước đó, khoảng cuối tháng 1/2023 bệnh nhân bị chó cắn vào tay nhưng không đi tiêm phòng dại.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, bệnh dại những năm gần đây diễn biến phức tạp. Cụ thể, từ năm 2018 đến 2022, toàn tỉnh ghi nhận 24 trường hợp mắc và tử vong.

Trong đó, có những trường hợp bệnh nhân có thời gian ủ bệnh từ bốn tháng đến một năm mới phát bệnh. Tất cả 24 trường hợp nêu trên đều không tiêm vắc-xin phòng dại sau khi bị chó cắn, mèo cào. Đáng lo ngại là, trong năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk lấy 45 mẫu đầu chó, mèo nghi mắc bệnh dại để xét nghiệm, kết quả 29/45 mẫu dương tính với vi-rút dại, chiếm 64,44%, trong đó mèo chiếm 8,89%.

Theo điều tra ổ dại, có 18,42% các ca bệnh dại xảy ra ở chó nhỏ dưới 3 tháng tuổi, 64,44% các ca bệnh dại xảy ra ở chó từ ba tháng đến một năm tuổi, 35,56% ca bệnh dại xảy ra ở chó trên một năm tuổi không tiêm phòng vắc-xin dại. Trong khi đó, phần lớn chó, mèo được nuôi thả rông, nếu cắn người sẽ gây nguy hiểm. Đây thật sự là nỗi lo của người dân Đắk Lắk khi bước vào thời kỳ nắng nóng hiện nay.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai tiêm phòng vắc-xin phòng dại cho chó, mèo khỏe mạnh từ ba tháng tuổi trở lên trong toàn tỉnh. Đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo thì chó, mèo sẽ được hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin miễn phí.

Ông Võ Văn Vàng, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Krông Pắc cho biết, những năm gần đây, bệnh dại tại địa phương vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2022, ghi nhận một trường hợp tử vong tại xã Hòa An, từ đầu năm 2023 tới nay ghi nhận thêm một trường hợp tử vong. Trạm đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo tăng cường phòng, chống bệnh dại và triển khai tiêm phòng dại cho chó, mèo trên địa bàn.

Hiện nay, toàn huyện có 10.145 hộ nuôi chó, với tổng đàn 15.020 con. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn người dân nuôi chó, mèo với hình thức thả rông, khi nhân viên thú y cơ sở đến nhà tiêm phòng thì không bắt được chó, mèo để tiêm.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dại, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác phòng chống bệnh dại ở động vật; chú trọng tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo.

Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk Mai Xuân Lý cho biết, để sớm kiểm soát các ổ dịch bệnh dại hiện tại, phòng ngừa ổ dịch mới phát sinh và lây lan, thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

Đồng thời triển khai, giám sát, đề nghị các huyện, thị xã và thành phố thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo đúng kế hoạch, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng đạt hơn 80% tổng đàn. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, để người dân nâng cao ý thức trong việc tiêm phòng và quản lý chó, mèo, khi bị chó, mèo cắn, cào phải tiêm vắc-xin phòng chống bệnh dại.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk Hoàng Hải Phúc cho biết, để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh dại gây ra, trung tâm đang tiêm miễn phí vắc-xin phòng bệnh dại cho những người bị chó cắn, mèo cào. Vì vậy, những trường hợp không may bị chó cắn, mèo cào nên đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk để được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.