Những năm gần đây, với sự quyết tâm, nỗ lực của Ðảng, Nhà nước và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có chuyển biến mạnh mẽ; đạt nhiều kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, lãng phí ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên với những biểu hiện tinh vi, phức tạp đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, từ đó làm hạn chế thành quả của công cuộc đổi mới.
Thực hiện đường lối của Ðảng, tổ chức đoàn các cấp đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Ðảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xác định vai trò là lực lượng cán bộ kế cận trong tương lai gần, tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương luôn đặt nhiệm vụ xây dựng hình mẫu thanh niên "Tâm trong-Trí sáng-Hoài bão lớn" vào vị trí trọng tâm; tăng cường hiệu quả, chất lượng công tác chuyên môn gắn với các phong trào "Ba trách nhiệm", "Tham mưu giỏi, Phục vụ tốt"; phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện xã hội.
Tiêu biểu, có thể kể đến Ðoàn Thanh niên Ðài Truyền hình Việt Nam. Tất cả các chương trình về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Ðài đều có sự đóng góp lớn của đoàn viên, thanh niên. Tuổi trẻ Ðài Truyền hình Việt Nam đã minh bạch hóa mọi quy định, quy chế về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để các bộ phận thực thi hiệu quả; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin nắm bắt tình hình đoàn viên, phản ánh, kiến nghị của đoàn viên, thanh niên đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Dự kiến, năm 2023, năm tập phim tài liệu về chủ đề tham nhũng do đạo diễn trẻ Phan Ý Linh và ê-kíp thực hiện sẽ lên sóng, hứa hẹn mang đến cách tiếp cận, đặt vấn đề mới mẻ.
Với hơn 1.500 đoàn viên, trong đó có gần 1.200 sinh viên Học viện Tòa án, Ban Chấp hành Ðoàn Thanh niên Tòa án nhân dân tối cao đã quán triệt nghiêm việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong các tòa án nhân dân; rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, tham gia xây dựng định mức cho từng vị trí việc làm để tiêu chuẩn hóa đánh giá khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức; kiên trì thực hiện phương châm "gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân" bằng cách tăng cường mối quan hệ mật thiết, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, tôn trọng nhân dân.
Trong khi đó, Ðoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã định kỳ tổ chức các diễn đàn, hội thảo về các quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng. Ðáng chú ý có Tọa đàm "Ðoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0", đã góp phần làm rõ phương hướng của công tác phòng, chống tham nhũng trong kỷ nguyên số, khi việc tẩu tán tài sản và rửa tiền từ hoạt động tham nhũng có thể thực hiện thông qua mua bán, trao đổi bằng tài sản ảo - hình thức vốn chưa được Nhà nước công nhận là một loại tài sản.
Tuổi trẻ Bộ Thông tin và Truyền thông đã lên ý tưởng xây dựng Bộ tài liệu tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới hình thức sổ tay điện tử với dạng hỏi đáp ngắn gọn, có tính phổ quát, phổ cập, phổ thông. Từ đó, thường xuyên tổ chức để cán bộ đoàn chủ chốt tham gia tập huấn, bồi dưỡng nhận diện âm mưu, thủ đoạn, hành vi tham nhũng, tiêu cực. Ðồng thời, tuyên truyền về kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng như kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý những vụ việc, vụ án tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm trên các nền tảng mạng xã hội.
Mặc dù không phải lực lượng chính, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, nhưng thanh niên lại là thành tố không thể thiếu nhằm bảo đảm sự thành công trong "cuộc chiến không tiếng súng" này.