“Đánh thức” di sản ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa độc đáo giữa lòng phố thị, qua đó tạo nên một không gian kiến trúc đặc trưng. Những năm gần đây, thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn. Nhiều di sản đã được “đánh thức” không chỉ mang đến vẻ đẹp sống động của một không gian đô thị sông nước mà còn tạo nên giá trị về kinh tế, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố mang tên Bác.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Khách tham quan trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm nay, nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử tiêu biểu của thành phố bắt đầu mở cửa đón khách tham quan, thu hút một lượng khách không nhỏ đến thưởng lãm những vẻ đẹp ấn tượng, mang đặc trưng của Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh.

“Đánh thức” hồn xưa

Trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở cửa đón khách tham quan lần đầu vào dịp Lễ 30/4, 1/5 năm nay. Sự kiện đã trở thành điểm nhấn trong hoạt động du lịch hè vừa qua của thành phố. Chỉ trong thời gian ngắn, khách đăng ký tham quan đã đủ số lượng theo quy định của Ban Tổ chức. Anh Nguyễn Văn Hùng, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những vị khách tham quan hai trụ sở trên ngay trong ngày 30/4.

Anh chia sẻ, thật sự ấn tượng với phong cách kiến trúc, nghệ thuật trang trí vào đầu thế kỷ 20 của tòa nhà khi công trình kết hợp nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu kiến trúc Phục hưng, trang trí phù điêu kiểu Baroque và Rococo, các cửa sắt kiểu Art Nouveau... “Vào bên trong, tôi thích thú khi ngắm cách trang trí của tòa nhà. Sự kết hợp giữa kiến trúc, điêu khắc và hội họa, hầu hết các tường và trần được trang trí với những bó hoa hay vòng hoa, lá cọ, cành nguyệt quế, ruy-băng...; viền trần nhà được trang trí hoa văn kỷ hà, phù điêu hoa lá, hồi văn dây lá,... theo phong cách thời Louis 15 đã tạo được ấn tượng mạnh cho người tham quan”-anh Hùng cho biết.

Qua hơn 114 năm tồn tại, trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia mang nhiều giá trị lịch sử-văn hóa trong quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình cũng là một trong những biểu tượng quen thuộc khi nhắc đến thành phố đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Vào những ngày cuối tháng 8 vừa qua, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Ðịnh chính thức được thành lập. Ðây là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Ðịnh và là bảo tàng nằm trong di tích. Ông Trần Vũ Bình, người có công lớn cho việc ra đời hệ thống các di tích Biệt động Sài Gòn ở trung tâm thành phố cho biết, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Ðịnh có các bộ sưu tập hiện vật quý giá gắn liền với lực lượng biệt động như: bộ sưu tập các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; bộ sưu tập những chiếc xe các chiến sĩ biệt động đã sử dụng; bộ sưu tập vũ khí; bộ sưu tập vật dụng sinh hoạt gắn liền với quá trình hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn; bộ sưu tập dụng cụ đồ nghề sản xuất của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) trong vỏ bọc nhà thầu khoán dinh Ðộc Lập…

“Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể sống động, gần gũi mà cũng đầy tính chất huyền thoại của Biệt động Sài Gòn-Gia Ðịnh”-ông Trần Vũ Bình xúc động, chia sẻ. Cùng với các di tích liên quan Biệt động Sài Gòn, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Ðịnh đã trở thành điểm tham quan độc đáo của du khách, nhất là du khách nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Quốc Ðộ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động quân khu Sài Gòn-Gia Ðịnh, trước đây, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Ðịnh cũng hoạt động được vài năm, nay những người phụ trách chủ trương đầu tư, phục dựng lại một số di tích, bổ sung hiện vật, xây dựng chỉn chu và ngăn nắp hơn. “Chúng tôi tin tưởng Bảo tàng sẽ lan tỏa truyền thống mạnh hơn, nhất là trong học sinh, sinh viên, trong lớp trẻ”- ông Nguyễn Quốc Ðộ cho hay.

Thành phố hiện có khoảng 15 di tích trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước như Dinh Thống Nhất, Ðịa đạo Củ Chi, Căn cứ Chiến khu Rừng Sác, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, chợ Bình Tây, Hội quán Ôn Lăng… và gần đây nhất, chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã được triển khai và được người dân, du khách đánh giá cao.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

Bên cạnh đó, nhiều điểm di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật nằm ở trung tâm thành phố, các quận, huyện, đang được ngành chức năng quan tâm tu bổ, khai thác, nhằm làm ‘sống lại” những giá trị văn hóa đã tạo nên hồn cốt cho một đô thị suốt hơn 300 năm qua.

Giữ hồn phố cho mai sau

Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ, năng động. Nơi đây từng được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Ðông với bao danh lam, thắng tích mang đậm tính lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước. Việc phát huy giá trị di sản văn hóa là hoạt động rất ý nghĩa và cấp thiết đối với thành phố. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, công trình kiến trúc đã xuống cấp, cần được tu bổ một cách bài bản.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 185 di tích đã xếp hạng gồm nhiều loại hình: di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, di tích khảo cổ. Trong 5 năm qua, thành phố, các quận, huyện, các tổ chức xã hội và người dân đã tu bổ hơn 50 di tích.

Vào tháng 3/2021, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Ðức tiếp tục khảo sát các di tích và ban hành kế hoạch về tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, có 113 di tích cần tu bổ, tôn tạo; đến nay, Hội đồng nhân dân thành phố đã phê duyệt và bố trí vốn 328 tỷ đồng cho các dự án đang triển khai thi công và bố trí thêm khoảng 1.054 tỷ đồng cho các dự án đang lập nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Ông Trương Kim Quân, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cho hay: Thực tế cho thấy công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều di tích không được bảo tồn một cách hợp lý, nhất là các công trình, địa điểm gắn với kiến trúc đô thị, khảo cổ học do quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh.

Các khu vực bảo vệ di tích bị xâm phạm dẫn đến việc bảo tồn, tôn tạo các di tích nhất là các di tích khảo cổ phụ thuộc nhiều vào công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. “Bên cạnh đó, mỗi di tích mang đặc trưng, tính chất khác nhau vì vậy không thể áp dụng công tác tu bổ, tôn tạo của di tích này vào di tích khác”- ông Trương Kim Quân cho biết.

Với các công trình kiến trúc mang phong cách Ðông Dương, việc tu bổ, tôn tạo di tích cần có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài như Pháp, Italia, nhiều di tích trong quá trình tu bổ phải sử dụng vật liệu từ Pháp đưa sang mới phù hợp. Do đó, cần có một đội ngũ chuyên gia đủ năng lực để có thể hợp tác, học hỏi và làm việc trực tiếp với họ.

Ðối với di tích lịch sử, việc tu bổ di tích, xây dựng đề cương trưng bày cần có sự góp ý của nhiều nhà khoa học lịch sử cũng như nhân chứng lịch sử. Việc sưu tầm thu thập các hiện vật, di vật cũng gặp nhiều khó khăn. Các câu chuyện lịch sử trong trưng bày cần thẩm định từ các cơ quan chuyên môn để bảo đảm tính lịch sử, khoa học và chính xác. Việc thiết kế trưng bày phải bảo đảm hình thức thể hiện theo lối trưng bày hiện đại để nêu bật nội dung, hiện vật, hình ảnh.

Song song với việc tu bổ nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa, thành phố đang tích cực phát huy giá trị những di sản còn lại bằng việc kết nối trong phát triển du lịch. Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động chương trình mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng, qua đó các quận, huyện đã phối hợp các doanh nghiệp lữ hành phát triển được khoảng 30 chương trình du lịch. Tất cả chương trình này đều gắn với các di sản, di tích văn hóa lịch sử và được giới thiệu đến công chúng, đội ngũ cán bộ công chức, người lao động, học sinh, sinh viên, trong đó, có nhiều chương trình đang được khai thác rất hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, Sở Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao và các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức phát triển tour, tuyến gắn với trải nghiệm cho du khách; gắn di tích với sinh hoạt cộng đồng người dân, xây dựng các không gian sinh hoạt hội nhóm, không gian trưng bày triển lãm, hay các hình thức văn hóa nghệ thuật để tăng tính hấp dẫn, đưa di sản gần hơn với người dân và du khách.