Ngày 23/8, Công ty cổ phần Traphaco phối hợp Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) tổ chức Hội thảo “Đa dạng hóa sản phẩm từ Đinh lăng-Cơ hội và thách thức”. Đây là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư Việt Nam-Hàn Quốc. Hội thảo này cũng đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khai thác và phát triển bền vững chuỗi giá trị Đinh lăng tại Việt Nam.
Nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ “Sàng lọc tác dụng sinh học và xác định thành phần hóa học có hoạt tính của một số loài Đinh lăng tại Việt Nam”, mã số NĐT.90.KR/20 được triển khai từ ngày 9/9/2020 và kéo dài đến ngày 9/9/2024. Đơn vị chủ trì nhiệm vụ là VKIST và Công ty cổ phần Traphaco là đơn vị thụ hưởng chính các kết quả từ nhiệm vụ.
Mục tiêu chính của nhiệm vụ bao gồm sàng lọc các tác dụng sinh học tiềm năng của các loài Đinh lăng tại Việt Nam và xác định các thành phần hóa học có hoạt tính từ các mẫu được lựa chọn. Từ đó, đóng góp quan trọng vào việc phát triển bền vững chuỗi giá trị từ Đinh lăng, nhất là Đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa), một loài cây quen thuộc trong dược điển Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu không chỉ bổ sung và nâng cấp các tiêu chuẩn chất lượng cho dược liệu từ rễ, thân, lá, và cao Đinh lăng, mà còn mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho việc phát triển các nguồn dược liệu từ các loài Đinh lăng khác như Đinh lăng lá to, Đinh lăng lá trổ, và Đinh lăng lá tròn.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và các bên liên quan cũng đã thảo luận về tiềm năng và thách thức trong việc đa dạng hóa các sản phẩm từ cây Đinh lăng. Các ý kiến đều cho rằng, với các giá trị kinh tế-xã hội, và môi trường mà cây Đinh lăng mang lại, chuỗi giá trị Đinh lăng tại Việt Nam hứa hẹn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho biết, có không ít thách thức cần phải vượt qua, bao gồm các vấn đề về chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo vệ sở hữu trí tuệ, và khả năng tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt, để phát triển dược liệu nói chung và cây Đinh lăng nói riêng cần tham gia của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông).
Các nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam, có 7 loài Đinh lăng thuộc chi Polyscias nhưng hiện chỉ có loài Đinh lăng lá nhỏ được khai thác, sử dụng phổ biến. Thành phần hóa học chủ yếu của Đinh lăng bao gồm: alcaloit, glucozit, saponin, flavonoid, tannin, vitamin B1 và 13 axit amin. Việc khai thác cũng đang chỉ tập trung vào rễ, trong khi đó trong thân, lá cũng đã được chứng minh có nhiều hoạt chất cần được tận dụng, khai thác hết.
Hiện Công ty cổ phần Traphaco đã xây dựng và phát triển vùng trồng Đinh lăng tại nhiều địa phương như: Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, và Đắk Lắk. Những vùng trồng này được lựa chọn kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chí như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, và khả năng sinh trưởng của cây Đinh lăng. Đặc biệt, vùng trồng tại huyện Hải Hậu và huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) được đánh giá là lý tưởng nhờ vào đất đai màu mỡ, không bị ô nhiễm, và có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của cây Đinh lăng.
Vùng trồng cây Đinh lăng của Traphaco có quy mô 75ha đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Nam Định, |
Traphaco cũng đã hợp tác với các chuyên gia từ Viện Dược liệu và các tổ chức quốc tế để nghiên cứu và xây dựng quy trình trồng trọt, thu hái, và chế biến Đinh lăng đạt chuẩn GACP-WHO. Việc áp dụng nghiêm ngặt quy trình này bảo đảm rằng nguồn dược liệu từ Đinh lăng của Traphaco không chỉ đạt chất lượng cao mà còn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco cho biết, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển các sản phẩm từ Đinh lăng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành dược liệu Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia có nguồn tri thức bản địa phong phú với hơn 54 dân tộc anh em, sở hữu nhiều loại cây thuốc quý. Chính sách của Nhà nước hiện tại đang khuyến khích phát triển công nghiệp dược tại Việt Nam, với mục tiêu đạt chuẩn mức 4 theo phân loại của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).
Với sản lượng tiêu thụ hằng năm là hơn 2.000 tấn, Đinh lăng đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong ngành dược liệu. Dự kiến, tổng giá trị các sản phẩm từ Đinh lăng sẽ đạt khoảng 5.000 tỷ đồng vào năm 2025, mở ra tiềm năng lớn cho các sản phẩm từ dược liệu tại Việt Nam.