Đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục

NDO - Sáng 12/7, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đông đảo các nhà khoa học, nghiên cứu tham dự.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ được xác định là động lực then chốt phát triển đất nước.

Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục và đào tạo đất nước có nhiều bước phát triển, nhưng vẫn còn nhiều việc cần tiếp tục thảo luận, đưa ra giải pháp hữu hiệu, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới, giai đoạn mới.

Đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục ảnh 1

Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo.

PGS, TS Phạm Viết Vượng (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành Giáo dục đã trưởng thành thêm một bước, phổ cập giáo dục tiểu học được thực hiện, số trường học phát triển nhiều hơn, số lượng học sinh, sinh viên ngày một gia tăng, chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, còn nhiều công việc chưa đạt được mục tiêu đề ra. Hiện nay, giáo dục phổ thông có 2 vấn đề nổi lên, tạo ra những băn khoăn trong dư luận xã hội: đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu; xuất bản 5 bộ sách giáo khoa gây tốn kém, nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, PGS, TS Phạm Viết Vượng cho rằng, Việt Nam cần thực hiện giải pháp đồng bộ từ việc dự báo giáo dục 5 năm, 10 năm, đến việc tổ chức đào tạo giáo viên có chất lượng ở các trường đại học sư phạm, cũng như tuyển dụng giáo viên công khai, minh bạch, cần có chế độ tiền lương, ưu đãi cho giáo viên làm việc và cống hiến.

Về xây dựng trường sư phạm và đội ngũ nhà giáo trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương đề nghị, nên tiếp tục cải cách lại hệ thống sư phạm với việc hình thành mạng lưới các trường và các khoa sư phạm.

Cần phải xây dựng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thực sự là trường trọng điểm. 2 trường này phải xứng đáng với vị trí hàng đầu của toàn hệ thống sư phạm, giữ vai trò định hướng và hỗ trợ tích cực về mọi mặt cho các cơ sở đào tạo giáo viên trong lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng.

Các trường đại học sư phạm trọng điểm hướng tới chủ yếu là đào tạo sau đại học và trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, nhất là khoa học giáo dục.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, tập trung vào một số giải pháp như: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục đào tạo.