Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng con người. Bởi muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Tôi rất tâm đắc khi Tổng Bí thư viết: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới.

Ảnh VOV.
Ảnh VOV.

Đảng ta luôn xác định xây dựng con người là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính. Trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế, Đảng ta càng đề cao nhiệm vụ này.

Nghị quyết Hội nghị T.Ư 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã gắn xây dựng con người với xây dựng văn hóa: Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Đại hội XIII của Đảng xác định: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. 

Quán triệt nghiêm túc tinh thần đó, các cấp ủy đảng đã triển khai xây dựng cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực, tăng cường tuyên truyền giáo dục,… do đó đã đạt nhiều kết quả to lớn. Ngày nay, chúng ta có thể tự hào về tầm vóc, tâm hồn, trí tuệ con người Việt Nam.

Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển. Tuy nhiên, do tác động mặt trái cơ chế thị trường mà ở một số cấp ủy, địa phương, quan điểm xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được quán triệt thường xuyên; có dấu hiệu bị buông lỏng trong cả ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội.

Chính vì vậy tôi hoàn toàn nhất trí với chỉ đạo của Tổng Bí thư. Đó là bên cạnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải quan tâm xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Theo tôi, khi xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp ủy đảng phải quan tâm, chú trọng nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Cần chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Đổi mới công tác giáo dục - đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội...