Tập trung khơi dậy tiềm năng, thế mạnh
Thực tế cho thấy, nhiều năm liền, Thuận Thành đặc biệt coi trọng nhân tố văn hóa trong tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội. Về chủ đề này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Thuận Thành Nguyễn Xuân Đương cho biết, trong nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc (11/2021), gắn liền quá trình triển khai Nghị quyết số 71-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Đảng bộ thị xã tập trung nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, tăng cường về nhận thức và hành động của toàn hệ thống chính trị trong lĩnh vực này.
Trước hết, đó là quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ trách nhiệm cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực văn hóa. Các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa chính trị trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Gắn liền với đó, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa; quản lý các hoạt động và kinh doanh dịch vụ văn hóa; công tác xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn được triển khai đồng bộ.
Lãnh đạo thị xã thăm, động viên Cựu giáo chức trên địa bàn. (Ảnh MAI ANH) |
Thị xã Thuận Thành đã thống kê, đánh giá nhằm thúc đẩy việc quản lý các công trình văn hóa trên địa bàn gắn với huy động các nguồn lực hàng chục tỷ đồng đầu tư trùng tu di tích, quản lý di tích lịch sử, văn hóa. Đến nay, toàn thị xã có 84 di tích được Nhà nước công nhận (cấp quốc gia đặc biệt: 2 di tích; cấp quốc gia: 22 di tích, cấp tỉnh: 60 di tích).
Thị xã Thuận Thành đã thống kê, đánh giá nhằm thúc đẩy việc quản lý các công trình văn hóa trên địa bàn gắn với huy động các nguồn lực hàng chục tỷ đồng đầu tư trùng tu di tích, quản lý di tích lịch sử, văn hóa. Đến nay, toàn thị xã có 84 di tích được Nhà nước công nhận (cấp quốc gia đặc biệt: 2 di tích; cấp quốc gia: 22 di tích, cấp tỉnh: 60 di tích).
Bên cạnh các loại hình văn hóa vật thể, thị xã tập trung bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể hết sức độc đáo như tranh dân gian Đông Hồ, múa rối nước Đồng Ngư, hát ca trù Thanh Khương, hát trống quân Ninh Xá; các điểm di tích lịch sử Chùa Dâu, chùa Bút Tháp, Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương. Những làng nghề truyền thống như: Làng tranh Đông Hồ, đúc đồng Nguyệt Đức, nem Bùi Xá, đậu phụ Trà Lâm, tương Đình Tổ... được chính quyền quan tâm, có cơ chế khuyến khích người dân gìn giữ, bảo tồn và phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu du lịch. Đồng thời, các thiết chế về văn hóa, thể thao trên địa bàn được đầu tư, tăng cường, đến nay 104/108 thôn, khu phố có nhà văn hóa.
Tại xã Hoài Thượng, Bí thư Đảng ủy xã Lê Thế Thêm cho biết, cũng như nhiều địa phương khác của thị xã, quá trình xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư đã thúc đẩy phát huy truyền thống hiếu học và khai thác giá trị làng nghề cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao nhanh và bền vững .
Nhằm phát huy truyền thống vùng đất khoa bảng, hiếu học, Thuận Thành đã có nhiều chủ trương, giải pháp tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Thị xã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại cho các trường học.
Đến nay, thị xã duy trì 100% số trường học đạt chuẩn quốc gia và tiếp tục nâng cao các tiêu chí trường chuẩn quốc gia đối với 65/65 trường công lập trên địa bàn. Việc đầu tư Trường trung cấp nghề Thuận Thành đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực nông thôn, gắn với đề án khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống của từng địa phương. Thị xã đã triển khai nhiều giải pháp; đang phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học của tỉnh, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, triển khai Đề án phát triển Du lịch đến năm 2030.
Phát huy nội lực từ cơ sở
Những năm gần đây, việc phát huy truyền thống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở Thuận Thành đã tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Theo Trưởng ban Dân vận Thị ủy Bùi Thị Thu, việc này trước hết là tạo được sự đồng thuận xã hội, phát triển các phong trào quần chúng. Các phong trào, cuộc vận động lớn như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng cơ quan đơn vị, văn hóa”... đã thật sự đem lại hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, bảo đảm thật sự là phong trào của nhân dân và vì nhân dân.
Quá trình này, các mô hình, điển hình tiên tiến về xây dựng thôn mới, trong đó trọng tâm là phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, xuất hiện ngày càng nhiều. Việc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với mô hình “Tổ hòa giải” tại các xã, phường đã đem lại hiệu quả thiết thực. Năm 2022, các tổ hòa giải thụ lý 58 việc, hòa giải thành công 48 việc, 4 việc chuyển tòa án, đạt tỷ lệ hòa giải thành công là 83%; năm 2023 đã thụ lý 67 việc, hòa giải thành công 56 việc, 4 việc chuyển gửi tòa án, 7 việc đang hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành công là 84%.
Nhiều truyền thống, nếp sống văn hóa tốt đẹp trên địa bàn được bảo tồn và phát huy, góp phần tích cực vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Câu lạc bộ Rối nước-Đồng Ngư, Câu lạc bộ hát ca Trù xã Thanh Khương, Câu lạc bộ hát Trống quân xã Ninh Xá; các mô hình khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ. Từ các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, thị xã đã hình thành và phát triển nhiều câu lạc bộ, mô hình hoạt động tại khu dân cư, tạo bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng tiếp tục bồi đắp, hoàn thiện những giá trị văn hóa giàu tính nhân văn.
Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng Thành Vương Bá Quý chia sẻ, việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ cơ sở cùng với việc nhân dân đồng thuận, nỗ lực tham gia các phong trào, khiến đời sống văn hóa trên địa bàn ngày càng được cải thiện, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Thị xã cũng huy động các đoàn thể quần chúng đẩy mạnh các hoạt động, triển khai kế hoạch bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ; thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Thuận Thành là địa phương dẫn đầu tỉnh Bắc Ninh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội... Từ huy động được sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và cộng đồng dân cư, các phong trào quần chúng từ cơ sở đã thật sự đi vào cuộc sống, thu hút mọi tầng lớp nhân dân, huy động sức mạnh nội sinh tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Tổng thu ngân sách nhà nước của thị xã giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 8%/năm. Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa của thị xã năm 2023 đạt hơn 97%, tăng hơn 3% so với năm 2021.
Thuận Thành đang hướng mạnh vào mục tiêu xây dựng thị xã công nghiệp, hiện đại, đô thị văn minh. Nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa, lợi thế của địa phương, thị xã tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng Đảng trong toàn hệ thống chính trị, coi trọng việc ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực. Cùng với đó, thị xã tăng cường giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân gắn với phát huy dân chủ ở cơ sở; tăng cường đồng thuận xã hội, nhằm phát huy ngày càng hiệu quả nhân tố văn hóa, con người trong phát triển.
Từ huy động được sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và cộng đồng dân cư, các phong trào quần chúng từ cơ sở đã thật sự đi vào cuộc sống, thu hút mọi tầng lớp nhân dân, huy động sức mạnh nội sinh tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Tổng thu ngân sách nhà nước của thị xã giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 8%/năm. Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa của thị xã năm 2023 đạt hơn 97%, tăng hơn 3% so với năm 2021.