Chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch

Sau nhiều ngày bình yên, đầu tháng 5/2021, dịch Covid-19 quay trở lại và bùng phát tại tỉnh Bắc Ninh. Thời điểm đó, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, trở thành tâm dịch lớn nhất nước. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy cam go, bác sĩ Nguyễn Thế Sơn, Trạm trưởng Trạm Y tế Mão Điền đã hết lòng, tận tụy chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Bác sĩ Nguyễn Thế Sơn khám, chẩn đoán bệnh cho người dân xã Mão Điền (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).
Bác sĩ Nguyễn Thế Sơn khám, chẩn đoán bệnh cho người dân xã Mão Điền (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).

30 năm làm việc trong ngành y tế, đây là lần đầu tôi chứng kiến trận chiến chống dịch bệnh khủng khiếp như thế”, mở đầu câu chuyện, bác sĩ Nguyễn Thế Sơn nhớ lại thời điểm đầu tháng 5/2021, khi mà đại dịch Covid-19 xảy ra tại xã Mão Điền. Ngày 5/5, xã Mão Điền ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên. Tin tức này gây chấn động cả vùng quê yên bình. Ngay trong đêm, bác sĩ Sơn cùng với các cán bộ y tế của xã thức thâu đêm khẩn trương truy vết các ca bệnh. Đến rạng sáng hôm sau, 20 công dân đầu tiên được đưa đi cách ly tập trung.

Những ngày sau đó, liên tiếp là những ngày không đêm ở Mão Điền khi các F0 được phát hiện dồn dập. Chỉ sau hơn 20 ngày phát hiện ca mắc bệnh đầu tiên, cả xã có tới hơn 300 ca F0, hàng nghìn trường hợp F1, các trường hợp F2, F3 cách ly tại nhà chiếm một phần ba số dân của xã. Mão Điền có tám thôn với hơn 15 nghìn nhân khẩu. Để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, hầu như ngày nào bác sĩ Sơn cùng các đồng nghiệp của mình cũng phải làm việc từ 6 giờ sáng hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau, thậm chí thức trắng đêm, tới bữa chỉ tranh thủ ăn vội gói mì rồi quay trở lại với công việc.

Hoàn cảnh của bác sĩ Sơn rất đặc biệt. Ngày 7/7, ngành y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân trong xã Mão Điền. Trong lúc đang vùi mình vào cuộc chiến với dịch bệnh, ngày 9/7, bác sĩ Sơn nhận được tin vợ, con đều là F0, chín người còn lại trong gia đình và cả mình đều là F1. Là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mão Điền và gắn bó với mảnh đất này ngay từ khi ra trường cho nên nắm địa bàn rất chắc, chính vì điều này, đã dẫn đến việc nếu bác sĩ Sơn đi cách ly tập trung thì ngành y tế địa phương sẽ thiếu một “vị tướng” đánh trận. Trước tình cảnh này, bác sĩ Sơn đã xin ở lại địa phương cách ly và điều hành công việc của trạm y tế qua điện thoại.

Bác sĩ Sơn kể, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của xã, tôi theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh, chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản để báo cáo, tham mưu Ban Chỉ đạo xã triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đồng thời, vừa hỗ trợ các lực lượng truy vết vừa lấy mẫu xét nghiệm cho nhân dân. Công tác truy vết, điều tra dịch tễ tại Mão Điền gặp nhiều khó khăn. Mật độ dân số đông, nhân lực thiếu cho nên các y sĩ, bác sĩ phải làm việc xuyên đêm, không có thời gian nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, chúng tôi cùng các đồng nghiệp thường xuyên phối hợp các Tổ Covid cộng đồng đến từng hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai báo y tế và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Vì là xã xa trung tâm huyện cho nên nhân dân đến khám, chữa bệnh hằng ngày rất đông, công việc thường ngày khi chưa có dịch đã rất nhiều. Ngoài việc khám, chữa bệnh, trạm còn đảm nhiệm hàng loạt công việc chuyên môn và liên ngành như phòng, chống dịch bệnh; tiêm chủng mở rộng; vệ sinh môi trường; kiểm tra an toàn thực phẩm các bếp ăn mầm non; kiểm tra, quản lý hành nghề y, dược tư nhân; khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự...

Tại trạm y tế chỉ có trạm trưởng là bác sĩ cho nên từ việc lớn đến việc nhỏ đều do bác sĩ Sơn lo liệu. Những ngày không có ca trực nhưng nếu có bệnh nhân cấp cứu là bác sĩ Sơn phải có mặt ngay. Gần 20 năm trước lãnh đạo và ngành y tế huyện đề nghị chuyển bác sĩ Sơn lên tuyến huyện nhưng bác sĩ Sơn vẫn xin tình nguyện ở lại. Bác sĩ Nguyễn Thế Sơn luôn tâm nguyện, mình sinh ra ở làng quê này, chịu ơn của người dân quê hương bây giờ phải ở lại phục vụ quê hương cho trọn nghĩa vẹn tình.

Bà Nguyễn Thị Sắc, thôn Công, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) nhớ lại, lần đầu tiên Mão Điền xuất hiện ca bệnh và lại là tâm dịch của cả nước nên chúng tôi rất hoang mang, lo lắng. Những lúc đó, bà con chỉ biết gọi điện thoại cho bác sĩ Sơn để được tư vấn, giải đáp các vấn đề về sức khỏe, dịch bệnh. Hình ảnh bác sĩ Sơn cùng những y sĩ, bác sĩ thức thâu đêm, có mặt khắp các xóm, thôn làm nhiệm vụ đã giúp nhân dân có thêm sức mạnh, yên tâm, tin tưởng và chung tay cùng chính quyền ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Trải qua hơn 40 ngày chiến đấu với dịch Covid-19, từ 0 giờ ngày 18/6, bảy trong tổng số tám thôn tại xã Mão Điền đã chuyển sang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Những ngày sau đó, Mão Điền không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, toàn xã được gỡ toàn bộ chốt phong tỏa.

Tuy nhiên, những ngày bình yên không được bao lâu, ngày 21/8, xã Mão Điền lại xuất hiện ca Covid-19. Guồng quay hối hả trở lại, bác sĩ Sơn và các đồng nghiệp lại căng mình chiến đấu với dịch bệnh. Cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh còn nhiều gian nan. Những chiến sĩ áo trắng chắc chắn còn nhiều vất vả phía trước, nhưng những kết quả hôm nay tạo một niềm tin trong lòng nhân dân về y đức, về tài năng, sự hy sinh. Mong rằng, những hành động đẹp ấy sẽ tiếp tục lan tỏa, tạo thành sức mạnh cộng đồng, góp phần chung tay sớm đẩy lùi dịch Covid-19.

Bí thư Đảng ủy xã Mão Điền Vũ Văn Mạnh cho biết, với những nỗ lực phấn đấu, cống hiến trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, bác sĩ Nguyễn Thế Sơn luôn được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tin tưởng, quý trọng. Năm nào trạm y tế xã cũng có thành tích đứng đầu ngành y tế huyện, riêng cá nhân đồng chí Sơn năm nào cũng được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Đối với bác sĩ Nguyễn Thế Sơn, học và làm theo Bác là từ những việc cụ thể nhất, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, hết lòng vì sức khỏe của nhân dân ■