Đăng ký thủ tục đất đai ở Hà Nội tăng cục bộ nhưng giao dịch mua bán không tăng đột biến

Thời gian gần đây, nhiều thông tin phản ánh tình trạng người dân Hà Nội xếp hàng từ sáng sớm để lấy số thứ tự đăng ký giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai tại một số quận, huyện của Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Đầu tháng 4/2024, người dân xếp hàng đăng ký làm thủ tục đất đai rất đông tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: TTXVN)
Đầu tháng 4/2024, người dân xếp hàng đăng ký làm thủ tục đất đai rất đông tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, đại diện các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội khẳng định, đây chỉ là hiện tượng cục bộ, xảy ra ở một số nơi và vào thời điểm nhất định. Tình trạng này đã được giải quyết, không gây mất an ninh trật tự, đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ nhanh nhất, không để người dân phải đi lại nhiều lần.

Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Hà Đông là một trong những chi nhánh có số lượng người dân đến đăng ký giải quyết thủ tục về đất đai gia tăng trong một số ngày nhất định, dẫn tới trên nhiều trang báo điện tử và mạng xã hội đưa tin, hình ảnh người dân xếp hàng để lấy số và cho rằng thị trường bất động sản đang "nóng sốt", giá bị đẩy lên cao từng ngày…

Qua tìm hiểu của phóng viên, hơn một tháng trở lại đây, cá biệt có vài ngày, lượng người dân đến giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai tại một số đơn vị như quận Hà Đông tăng đột biến ở thời điểm nhất định. Song, số ngày cũng như thời gian không nhiều, thậm chí chỉ vào đầu giờ sáng.

Một số người dân đến thực hiện thủ tục liên quan đến đất đai, khi hết số tiếp nhận trong buổi sáng đã tỏ ra lo lắng, dẫn tới hiệu ứng đám đông, hôm sau đến sớm, thậm chí nhiều người còn xếp hàng từ 3-4 giờ sáng để lấy số.

Theo đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Chi nhánh Hà Đông, trong tháng 3 và đầu tháng 4, số hồ sơ tiếp nhận tại Chi nhánh có tăng đột biến so với trước. Đặc biệt, lượng giao dịch của công dân trong tháng 3 khoảng 1.500 hồ sơ, tăng 200% so với các tháng trước.

Trước thông tin chung cư Hà Nội đang "sốt", tình trạng đông đúc tại các văn phòng đăng ký đất đai liệu có phải do các giao dịch mua bán tăng đột biến? Đại diện các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cho biết, thủ tục chủ yếu là các giao dịch đảm bảo; không có đột biến về giao dịch mua bán. Người dân đến xóa chấp, giải chấp đảo lại vay ngân hàng do tỷ lệ lãi suất của ngân hàng điều chỉnh.

Đăng ký thủ tục đất đai ở Hà Nội tăng cục bộ nhưng giao dịch mua bán không tăng đột biến ảnh 1

Tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), người dân chủ yếu đến làm thủ tục giao dịch đảm bảo, xóa thế chấp; không tăng đột biến về nhượng nhà đất. Ảnh: TTXVN phát

Đơn cử, tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Nam Từ Liêm, nơi tập trung nhiều dự án chung cư, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 60 - 70 hồ sơ, nhưng hồ sơ đăng ký biến động chuyển nhượng không tăng bất thường, chỉ tăng thêm hồ sơ đảm bảo, thế chấp, xóa chấp liên quan tới nghiệp vụ ngân hàng.

Còn theo đánh giá của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hoài Đức, những tháng đầu năm nay, giao dịch biến động về đất đai trên địa bàn huyện không nhiều. Đơn vị tiếp nhận giải quyết chủ yếu là giải chấp, thế chấp và đăng ký biến động đất đai sau giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của thành phố. Cụ thể, quý 1/2024, Chi nhánh tiếp nhận khoảng 3.000 hồ sơ nhưng chỉ có hơn 1.000 hồ sơ liên quan đến chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho…. Đầu tháng 4, Chi nhánh tiếp nhận khoảng 60-70 hồ sơ/1 ngày.

Tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Gia Lâm, lượng hồ sơ nộp vào thời gian gần đây có tăng nhưng không có đột biến so với mọi năm. Theo Giám đốc Chi nhánh Văn phòng

Đăng ký Đất đai Hà Nội huyện Gia Lâm Phạm Hoài Nam, sau Tết, tâm lý người dân thường ít mua nhà đất nên đăng ký biến động hàng năm đều giảm. Năm nay, do thị trường chung cư tăng bất thường và lo ngại giá còn tăng nữa nên người dân tìm mua nhà cũng nhiều hơn.

Tương tự, tại Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Ba Đình - Hoàn Kiếm - Đống Đa, Giám đốc Chi nhánh Phạm Tôn cho biết, lượng hồ sơ đầu vào sau Tết không có đột biến so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ tăng nhẹ khoảng 5 - 10%.

Hay tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Hoàng Mai, đầu giờ sáng, lượng người dân tới làm thủ tục không quá đông, chỉ có 5 - 7 người. Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính diễn ra bình thường.

Để có thể phục vụ tốt trong mọi trường hợp cũng như giải quyết, trả hồ sơ đúng hạn, tuyệt đối không để xảy ra lộn xộn; không để người dân phải đi lại nhiều lần, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Hoàng Mai có thể mở cửa trước giờ làm việc 60 phút, thậm chí 90 phút nếu cần; bố trí cán bộ đầy đủ, tối ưu nhất tại bộ phận tiếp nhận, kịp thời đón tiếp người dân; có phương án tăng thêm cửa tiếp nhận và nhân lực...

Báo cáo từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các địa phương cũng cho thấy, số lượng hồ sơ về đất đai trong quý 1/2024 tập trung nhiều vào hoạt động đăng ký giao dịch đảm bảo, giải chấp, thế chấp, chứ không chỉ tập trung lĩnh vực giao dịch chuyển nhượng đất đai.

Đáng chú ý, số liệu từ Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cho thấy, số lượng hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai quý 1/2024 có tăng nhưng không đột biến. Cụ thể, tháng 1 có 3.475 hồ sơ; tháng 2 có 1.584 hồ sơ; tháng 3 có 3.434 hồ sơ.

Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội Đặng Ngọc Quang cho biết, trước tình hình tăng cục bộ tại một số địa phương, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã kịp thời có chỉ đạo tăng cường các biện pháp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Đáng chú ý, số liệu từ Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cho thấy, số lượng hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai quý 1/2024 có tăng nhưng không đột biến. Cụ thể, tháng 1 có 3.475 hồ sơ; tháng 2 có 1.584 hồ sơ; tháng 3 có 3.434 hồ sơ.

Theo đó, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội yêu cầu các chi nhánh tăng cường cán bộ hướng dẫn người dân, mở thêm cửa tiếp nhận, đáp ứng lượng hồ sơ tăng thêm; cán bộ làm thêm ngoài giờ hành chính các ngày trong tuần và cả thứ Bảy, Chủ nhật nếu lượng hồ sơ tăng đột biến. Thậm chí, Văn phòng có thể xem xét điều động cán bộ từ chi nhánh có ít hồ sơ sang chi nhánh có lượng hồ sơ lớn, quá tải; tăng cường nhân lực cho bộ phận một cửa.

"Phải bố trí cán bộ tối ưu tại các bộ phận tiếp nhận để phục vụ nhân dân, kể cả làm ngoài giờ làm việc để có thể nhận được nhiều hồ sơ nhất, không để công dân có nhu cầu phải đi lại nhiều lần. Cùng đó, phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm trường hợp cán bộ thực hiện không đúng quy định về tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính hoặc gây nhũng nhiễu, phiền hà", Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội Đặng Ngọc Quang nhấn mạnh.

Các chi nhánh phải bố trí, sắp xếp công việc khoa học, nhịp nhàng, đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ nhanh nhất; đồng thời giải quyết hồ sơ, văn bản đúng hạn, không để chậm, muộn. Đồng thời, các chi nhánh phối hợp cơ quan công an trên địa bàn bảo đảm ổn định tình hình, xử lý đối tượng chèo kéo gây mất an ninh trật tự; tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân không bắt tay với "cò mồi"; sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp và xóa thế chấp để tránh phải xếp hàng nộp hồ sơ mà không được giải quyết.

Ngay sau khi các đơn vị điều chỉnh theo hướng tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên nghe đối tượng "cò" dịch vụ, làm mất an ninh trật tự, bởi thực tế, giao dịch liên quan đến đăng ký biến động mua bán, chuyển nhượng bất động sản không gia tăng đột biến.