Hà Nội gỡ khó cho các dự án cụm công nghiệp

Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất tại các làng nghề, thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng các cụm công nghiệp mới. Tuy nhiên, trong số 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập từ giai đoạn 2018-2020, đến nay vẫn còn 18 cụm gặp vướng mắc, khó khăn. Hà Nội đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ, phấn đấu khởi công toàn bộ các dự án cụm công nghiệp trong năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất các thiết bị ngành điện tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (Cụm công nghiệp Quất Ðộng, huyện Thường Tín, Hà Nội). (Ảnh ÐĂNG ANH)
Sản xuất các thiết bị ngành điện tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (Cụm công nghiệp Quất Ðộng, huyện Thường Tín, Hà Nội). (Ảnh ÐĂNG ANH)

Cụm công nghiệp Vân Từ (huyện Phú Xuyên) có diện tích hơn 65.000 m2, đã được chủ đầu tư là Công ty CP HTC Toàn Cầu giải phóng mặt bằng được 93%. Tuy chỉ còn 7% diện tích chưa hoàn thành, nhưng đã kéo dài đến cả năm nay. Tổng Giám đốc Công ty CP HTC Toàn Cầu Bùi Ðăng Ðiền cho biết, hiện vẫn còn 82 hộ chưa chấp thuận bàn giao đất cho chủ đầu tư dù chính quyền đã có quyết định thu hồi.

Việc giải phóng mặt bằng kéo dài, nhiều lần lùi thời hạn đã khiến doanh nghiệp không tiếp tục triển khai được các bước tiếp theo, dự án đình trệ. Vì vậy, chủ đầu tư kiến nghị thành phố cho phép đơn vị được thuê đất đợt 1 với phần diện tích đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để triển khai dần, đồng thời, hỗ trợ huyện Phú Xuyên và chủ đầu tư trong việc tiến hành thu hồi đất xong trong quý II/2024.

Ngoài giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư các cụm công nghiệp cũng mong được đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính. Ðại diện Công ty CP Tập đoàn Telin (chủ đầu tư Cụm công nghiệp Kim Bài, huyện Thanh Oai) cho biết, trong quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp đã được thành phố và huyện Thanh Oai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đến nay đã hoàn thành xong.

Ðơn vị cũng đã nộp hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường, mong sớm có được quyết định giao, thuê đất. Nhưng để ra được sổ cũng phải mất tới sáu tháng. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị sau khi giải phóng mặt bằng xong thì cho phép cấp giấy phép xây dựng làm hai lần. Lần 1 là san đất vì việc này không ảnh hưởng gì đến an toàn xây dựng, chủ đầu tư có thể triển khai trong quá trình chờ giấy phép.

Về tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, dù đã có nhiều tiến triển nhưng vẫn còn chậm so với kế hoạch và yêu cầu, do các quy định, thủ tục, giấy phép còn chồng chéo. Ðó là các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách giữa Luật Ðầu tư, Luật Ðất đai và các nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Các vấn đề về giao đất, cho thuê đất, tính giá đất… cũng như giải phóng mặt bằng do vướng vào khu vực nghĩa trang hoặc một số hộ dân chưa đồng thuận. Bên cạnh đó là các vấn đề về cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500... Vì vậy, hiện mới có 25 trong tổng số 43 cụm công nghiệp có quyết định thành lập từ giai đoạn 2018-2020 được khởi công xây dựng.

Ðể tháo gỡ những vướng mắc này, thành phố Hà Nội đã tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ và đột xuất, đánh giá tiến độ cụ thể của từng cụm công nghiệp, phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, phân định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư và yêu cầu tiến độ thực hiện. Hằng tháng có kiểm đếm tiến độ công việc và ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc.

Thành phố đã chỉ đạo việc triển khai thực hiện các cụm công nghiệp theo hướng “không hồi tố thủ tục quyết định chủ trương đầu tư”, qua đó các sở, ngành tập trung đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục về xác nhận nghĩa vụ ký quỹ, giao đất thực hiện dự án..., rút ngắn 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để chủ đầu tư có đủ điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp.

Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Kể từ khi gỡ “nút thắt” này, thành phố đã thực hiện giao đất, các chủ đầu tư đã khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảy cụm công nghiệp. Ðối với những cụm công nghiệp gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thành phố giao đất từng đợt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi công xây dựng hạ tầng, rút ngắn thời gian, sớm đưa vào khai thác…

Hà Nội gỡ khó cho các dự án cụm công nghiệp ảnh 1

Sản xuất tại Công ty TNHH chế biến thực phẩm Ðức Hạnh (Cụm công nghiệp Trường An, huyện Hoài Ðức).

Hỗ trợ chủ đầu tư các cụm công nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, nhưng thành phố Hà Nội cũng kiên quyết không để xảy ra tình trạng phát triển cụm công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không bảo đảm tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, xử lý môi trường, cũng như không đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, phát triển trong tương lai theo định hướng văn minh, hiện đại.

Thành phố đã ban hành Quyết định số 33/2022/QÐ-UBND ngày 3/10/2022 quy định quy mô tối thiểu của các cụm công nghiệp và các dự án đầu tư thứ phát bên trong, yêu cầu doanh nghiệp chấp hành nghiêm. Ðơn cử, Công ty CP Hà Thành BQP (Chủ đầu tư Cụm công nghiệp Xà Cầu, huyện Ứng Hòa) đã kiến nghị, hiện việc thu hút các hộ dân vào thuê đất, xây dựng nhà xưởng tại đây gặp rất nhiều khó khăn do không có khả năng thuê diện tích tối thiểu 1.000 m2.

Do đó, đề nghị thành phố xem xét cho phép giữ nguyên diện tích quy hoạch phân lô trước đây để tăng khả năng thu hút đầu tư, sớm lấp đầy cụm công nghiệp. Tuy nhiên, với kiến nghị này, thành phố đã đề nghị chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các quy định, đồng thời phối hợp địa phương vận động các hộ dân thực hiện di dời các hoạt động sản xuất trong khu dân cư vào cụm công nghiệp. Ðối với các hộ nhu cầu sản xuất chưa lớn thì thực hiện hợp tác theo tổ nhóm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành phố cam kết sẽ theo sát và có những chỉ đạo cụ thể, kịp thời với những vấn đề mà các cụm công nghiệp đang gặp phải theo hướng “dễ làm trước, khó làm sau”, trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, thời hạn giải quyết và đặc biệt là phải rõ kết quả giải quyết, qua đó tháo gỡ các điểm nghẽn, những hạn chế trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai…, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp theo quy hoạch, phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất công nghiệp.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ có 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.204,31 ha; mở rộng 5 cụm công nghiệp đã được quy hoạch, thành lập ở giai đoạn 2017-2020 với tổng diện tích khoảng 45 ha; xây dựng mới 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 536 ha.