Với hơn 8,5ha diện tích đất trồng lúa tại xã Buôn Choah, mỗi năm gia đình ông Phạm Như Thuần thu hoạch đạt sản lượng khoảng 105 tấn lúa đặc sản ST24, ST25. Tuy nhiên, năm nay do lúa bị lép hạt nên cũng trên diện tích này gia đình chỉ thu được khoảng 50 tấn. “Về kỹ thuật canh tác chúng tôi vẫn thực hiện đúng quy trình như các năm trước, nhưng không hiểu vì nguyên nhân nào mà lúa lại bị nghẽn đòng, lép hạt rất nhiều.
So với các vụ mùa trước sản lượng đã giảm đi một nửa. Lúa mất mùa, cùng với việc giá các vật tư đầu vào liên tục tăng từ đầu vụ, sau khi trừ chi phí, vụ lúa năm nay gia đình tôi không có lãi, thậm chí là lỗ cả phần nhân công gia đình tham gia sản xuất”, ông Phạm Như Thuần cho biết.
Vụ mùa năm nay hộ ông Lý Văn Sáng sản xuất 1,4ha lúa đặc sản ST24. Vào ngày 18/2 âm lịch vừa qua, gia đình ông Sáng đến một đại lý bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón về phun. Ông sáng mua gồm: phân bón lá hỗn hợp, thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc trừ bệnh, đại diện đại lý hướng dẫn ông Sáng pha chung các loại thuốc, phân bón đã mua chung vào bình để phun một lần nhằm tiết kiệm thời gian.
“Thời điểm phun hỗn hợp thuốc bảo vệ thực vật pha chung với phân bón tăng trưởng là lúa đã trỗ lác đác được khoảng 30% bông. Tuy nhiên, sau khi phun được 2 ngày, tiến hành kiểm tra phát hiện lúa bị vàng lá, khi trỗ bông lúa bị lép và nghẽn đòng,… sản lượng năm nay thu được khoảng một nữa so với vụ mùa năm 2022”, ông Sáng chia sẻ.
Theo nhận định ban đầu lúa lép hạt một phần nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng thất thường, gió mạnh, lạnh về đêm vào thời điểm lúa trổ bông dẫn đến nghẽn đòng, lép hạt.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Buôn Choah Mai Công Hào cho biết, hầu hết diện tích lúa tại Buôn Choah năm nay đều cho năng suất thấp hơn những năm trước. Địa phương đã phối hợp Chi cục Phát triển Nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông và Ủy ban nhân dân huyện Krông Nô tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân.
Theo nhận định ban đầu lúa lép hạt một phần nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng thất thường, gió mạnh, lạnh về đêm vào thời điểm lúa trổ bông dẫn đến nghẽn đòng, lép hạt. Một số diện tích bị nhiễm bệnh trong thời kỳ trỗ bông, nên người dân phun thuốc chưa bảo đảm hàm lượng, pha chung nhiều loại thuốc cùng lúc để phun nên ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của cây lúa.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Nô Doãn Gia Lộ cho biết, ngoài yếu tố thời tiết, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón kích thích tăng trưởng, cơ quan chức năng cũng ghi nhận nhiều người dân mua giống lúa ST24, ST25 tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, một số hộ dân sử dụng giống lúa cũ của gia đình thu hoạch từ vụ trước để làm giống. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ sở để khẳng định nguyên nhân lúa nghẽn đòng, lép hạt là do đâu. Hiện nay huyện đang chỉ đạo xác định nguồn gốc giống để kịp thời thông tin đến người dân.
Cũng theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Nô, năm nay do gặp phải nắng nóng và gió lớn bất thường vào đúng cao điểm thời kỳ lúa trổ bông nên việc thụ phấn không đạt. Đơn vị cũng khuyến cáo nông dân trong các vụ tới tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết để có những điều chỉnh phù hợp; tiếp tục sử dụng các loại giống có thương hiệu, uy tín trên thị trường; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng “đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng phương pháp, và đúng thời điểm”. Đồng thời tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, buôn bán phân bón thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.
Cánh đồng lúa xã Buôn Choah được xem là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh Đắk Nông. Với diện tích hơn 700ha, cánh đồng lúa ven sông Krông Nô này hằng năm đều cho năng suất bình quân đạt từ 11-12 tấn/ha, được xếp vào tốp đầu những vựa lúa có sản lượng cao nhất các tỉnh Tây Nguyên.