Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng thời tiết và khói lò gạch là yếu tố chính gây ra tình rạng trên. Ông Bùi Đức Việt, Chủ tịch UBND xã Hiền Đa cho biết, vụ mùa này, toàn xã gieo trồng với diện tích 50ha giống lúa Hương thơm. Đây là giống có năng suất, chất lượng cao và đã được trồng nhiều năm, giống do Công ty Giống cây trồng Trung ương cung cấp.
Nhiều người dân cho rằng, cũng giống lúa này, những vụ trước bình quân năng suất đạt từ 1,8 đến 2,1 tạ/sào. Nhưng năm nay, đến 80% hạt lúa bị lép, có những thửa ruộng gần như mất trắng. Về phương pháp, kỹ thuật gieo trồng được bà con nông dân thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn của ngành nông nghiệp.
Ông Việt cho biết thêm, tình trạng này rất có thể do yếu tố môi trường tác động đến vùng dự án nên lúa bị lép hạt bởi lẽ trên địa bàn xã có hai lò gạch, trong thời gian lúa trỗ bông thì cả hai lò gạch trên đang đốt lò bình thường. Nhiều diện tích trồng giống lúa khác nằm trong vệt gió của khói cũng lò gạch cũng bị ảnh hưởng…
Còn theo ông Phạm Đăng Tiến, trưởng khu 3, hiện tượng lúa lép hạt chưa chắc đã phải do giống mà có thể là do cả yếu tố thời tiết, môi trường khiến nhiều diện tích lúa bị lép hạt, nếu có hạt thì năng suất đạt rất thấp. Người dân mong muốn chính quyền sớm tìm ra nguyên nhân chính xác để trả lời người dân, đồng thời có chích sách hỗ trợ để người dân yên tâm sản xuất ở những vụ sau.
Còn tại xã Tình Cương, tình trạng này cũng diễn ra tương tự như xã Hiền Đa. Toàn xã có 70ha bị ảnh hưởng, trong đó phần lớn diện tích bị lép hạt, số còn lại năng suất rất thấp. Ông Trần Hữu Khánh, Chủ tịch UBND xã Tình Cương cho biết, hiện nay xã đang thống kê cụ thể để báo cáo huyện, từ đó tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục cho nhân dân nhằm giúp nhân dân yên tâm sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê cho biết: Nguyên nhân chính xác dẫn đến hiện tượng lúa bị lép hạt ở xã Tình Cương và Hiền Đa vẫn chưa thể kết luận. Tuy nhiên, theo nhân định và phân tích của các kỹ sư nông nghiệp, hiện tượng lúa lép hạt, cháy đen và năng suất thấp một phần do thời tiết bởi ở thời điểm lúa trỗ bông trên địa bàn có mưa nhiều, độ ẩm không khí cao. Mặt khác, cũng có thể do ảnh hưởng của khói lò gạch thải ra đúng vào thời điểm lúa trỗ bông khiến nhiều diện tích lúa bị lép hạt.
Về hướng khắc phục, ông Tuấn cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ thống kê. Những diện tích bị thiệt hại lớn nằm trong vệt ảnh hưởng của khói lò gạch sẽ yêu cầu chủ lò gạch hỗ trợ các hộ dân bằng giống hoặc tiền. Việc triển khai thâm canh trên cánh đồng mẫu lớn ở hai xã trên đã được thực hiện cùng giống, cùng trà và cùng chăm sóc. Tuy nhiên, hiện tượng lúa lép hạt vẫn xảy ra.
Hiện nay, huyện đang chỉ đạo Phòng Nông nghiệp phối hợp với các đại phương họp để rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân để giải thích cho dân nhằm giúp nhân dân ổn định sản xuất ở những mùa vụ sau.