Triển vọng sản xuất lúa theo quy mô lớn

Sản xuất lúa theo quy mô lớn qua việc tích tụ ruộng bằng việc thuê, mượn đất thời gian gần đây ở Thái Bình đang được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình bón phân bằng máy tại cánh đồng sản xuất theo quy mô lớn.
Người dân xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình bón phân bằng máy tại cánh đồng sản xuất theo quy mô lớn.

Việc tích tụ giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp dẫn đến bỏ ruộng, đồng thời giảm giá vật tư đầu vào, công lao động và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, nếu sản xuất lúa theo quy mô lớn, người nông dân dễ dàng cơ giới hóa, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh liên kết bao tiêu sản phẩm, lợi nhuận cao hơn so với cấy lúa truyền thống gấp 1,5 lần.

Mô hình cánh đồng "đại điền"

Mấy năm trước đây, nhiều hộ dân trồng lúa xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ vì những lý do như thiếu lao động, sản xuất hiệu quả thấp… đã bỏ ruộng hoang.

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Ninh Nguyễn Thị Mai kể: "Toàn xã có 359ha đất trồng lúa, có những thời điểm diện tích ruộng bỏ lên đến 140ha. Trước tình hình đó, hợp tác xã một mặt khuyến khích, vận động nhân dân sản xuất hết những diện tích bỏ hoang. Đồng thời, các thành viên trong Hội đồng quản trị hợp tác xã góp tiền mua máy làm đất, máy cấy và mượn lại ruộng của nhân dân để sản xuất. Mặt khác, hợp tác xã vận động những gia đình có nhu cầu mượn lại ruộng của các hộ bỏ hoang để sản xuất. Vì vậy, tình trạng bỏ hoang ruộng hiện nay không còn nhiều. Đến nay, toàn xã có 32 hộ tích tụ ruộng từ 2ha trở lên, trong đó hộ nhiều nhất lên đến 27ha. Từ khi tích tụ ruộng sản xuất theo quy mô lớn đã giúp giảm chi phí đầu vào do áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo mạ, làm đất, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch. So sánh với trồng lúa truyền thống, hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 270 đến 540 nghìn đồng/sào/vụ. Không những vậy, đầu ra cho sản phẩm cũng được bảo đảm do hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm".

Vụ đông xuân 2022-2023 là vụ thứ 3 của gia đình anh Tô Văn Khải, xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ mượn đất để trồng lúa với diện tích hơn 20ha. Chỉ tay về cánh đồng Kênh Ngoài, thôn An Ninh khi lúa đang xanh tốt, anh Khải chia sẻ: "Thời gian trước, phần lớn diện tích ở đây đều bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm cho nên tôi mượn lại để sản xuất. Để đạt hiệu quả cao, gia đình tôi áp dụng cơ giới hóa toàn bộ từ khâu gieo mạ, bón phân, thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch. Hiện nay, phần lớn diện tích gia đình tôi trồng lúa J02, vụ vừa qua thóc bán được giá 7.700 đồng/kg, lãi 500 nghìn đồng/sào/vụ".

Xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ trước đây cũng xuất hiện tình trạng bỏ ruộng do nhiều hộ dân không có nhu cầu sản xuất. Vì vậy, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Thọ đã vận động nhân dân tích tụ ruộng sản xuất theo quy mô lớn.

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Thọ Ngô Doãn Đô cho biết: "Đến nay, trên địa bàn xã có 170/290ha đất trồng lúa được tích tụ, trong đó 25 hộ từ 2ha trở lên, hộ nhiều nhất tích tụ đến 30ha. Phần lớn các hộ tích tụ ruộng sản xuất theo quy mô lớn trồng lúa chất lượng cao".

Hợp tác xã đã quy hoạch lại giao thông, thủy lợi nội đồng; tập huấn kỹ thuật cũng như hướng dẫn bà con nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa; tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân.

Nhiều hộ tích tụ ruộng đã chủ động đầu tư mua máy làm đất, máy cấy, bón phân, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch. Nếu sản xuất thủ công, ruộng đất manh mún thu lãi ít, thậm chí hòa vốn nhưng nhờ tích tụ, áp dụng cơ giới hóa giúp tăng năng suất lao động từ 50 đến 70% và lãi từ 500 đến 700 nghìn đồng/sào/vụ.

Năm 2012, nhận thấy nhiều người dân trong xã Quỳnh Thọ bỏ ruộng hoang, anh Phạm Hồng Sơn đã mượn khoảng 4 mẫu. Sau, gia đình anh mượn thêm ruộng sản xuất. Anh Sơn cho biết: "Đến nay, gia đình tôi đã mượn được 25ha, trong đó khoảng 70% diện tích liền vùng, liền khoảnh. Trồng theo quy mô lớn mang lại lợi nhuận rất rõ rệt do áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất. Mỗi sào trồng lúa theo quy mô lớn lãi từ 300 đến 400 nghìn đồng/vụ, với 25ha cho lãi vài trăm triệu đồng/vụ".

Triển vọng sản xuất lúa theo quy mô lớn ảnh 1
Lãnh đạo Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Thọ, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ tham quan ruộng lúa sản xuất theo quy mô lớn.

Hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn

Thái Bình là địa phương thuần nông với diện tích cấy lúa hằng năm hơn 76 nghìn ha, bình quân mỗi nhân khẩu có khoảng 1,2 sào đất sản xuất.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Nga cho biết: "Những năm gần đây, tại địa phương đang nổi lên phong trào các hợp tác xã, cá nhân thuê, mượn ruộng bỏ hoang của nhân dân tích tụ sản xuất theo quy mô lớn giúp ứng dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, liên kết sản xuất mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, tỉnh có một hội đại điền, tập trung những hộ tích tụ từ 2ha trở lên và từng huyện có chi hội nhằm thường xuyên trao đổi qua zalo, gặp gỡ để cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thị trường tiêu thụ. Sau 6 năm thực hiện tích tụ ruộng đất, ban đầu là quy mô nhỏ, đến nay toàn tỉnh có 1.701 hộ tích tụ từ 2ha trở lên với diện tích 5.676ha, trong đó nhiều nhất ở các huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Kiến Xương. Theo thống kê, với diện tích 2ha sản xuất theo quy mô lớn trong vụ đông xuân thu được 13 tấn thóc, lãi khoảng 60 triệu đồng, cao hơn 1,5 lần so với trồng lúa truyền thống".

Mặc dù vậy, tích tụ ruộng sản xuất theo quy mô lớn ở Thái Bình cũng đang còn nhiều trở ngại do sau khi tích tụ, nhiều tổ chức, cá nhân không có mặt bằng để xây dựng nhà kho, xưởng phục vụ sơ chế; phần lớn diện tích thuê, mượn đất chủ yếu ở những vùng xa, đất xấu, đường giao thông, thủy lợi nội đồng chưa có hoặc nhỏ hẹp. Bên cạnh đó, việc tích tụ ruộng liền vùng, liền thửa cũng đang gặp nhiều bất lợi.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ Nguyễn Hồng Long cho biết: Qua thống kê, đến nay huyện có khoảng 2.000ha được tích tụ sản xuất theo quy mô lớn với 400 hộ thuê, mượn đất từ 2ha trở lên, trong đó có 30 hộ tích tụ từ 10ha trở lên. Tuy nhiên, trong cùng một cánh đồng, có hộ cho mượn, hộ không, khiến sản xuất chưa liền vùng, liền thửa.

Anh Tô Văn Khải, xã An Ninh cho biết: "Gia đình tôi rất mong muốn các hộ dân bỏ ruộng cho thuê, mượn lâu dài. Hiện nay dù sản xuất hơn 20ha, tập trung ở ba cánh đồng nhưng ruộng manh mún. Lý do là do các hộ dân khi cho mượn đề nghị giữ nguyên hiện trạng, không được phá dỡ bờ bao. Chính vì vậy, việc áp dụng khoa học-kỹ thuật cũng như cơ giới hóa vào sản xuất khó khăn, dẫn đến chi phí đầu tư tăng cao".

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình nhận định: "Đến năm 2025, diện tích tích tụ sẽ đạt khoảng 10.000ha và sẽ tăng lên 25.000ha vào năm 2030. Bởi các hộ tích tụ rồi đã đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất và tự tin hơn khi canh tác theo quy mô lớn, vì vậy muốn mở rộng sản xuất. Hơn nữa, số lao động lĩnh vực nông nghiệp ngày càng ít đi cho nên việc cho thuê, mượn ruộng nhiều lên.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Nga cho rằng: "Thời gian tới các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình cần khuyến khích, ưu tiên tích tụ ruộng đất cho phát triển trồng trọt quy mô lớn nhằm áp dụng tối đa cơ giới hóa vào sản xuất đến chế biến và tiêu thụ lúa gạo; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, bảo đảm chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ sản xuất lúa chất lượng cao để tạo ra sản phẩm tốt, nâng cao giá trị canh tác…".