Đắk Nông nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

Tính đến cuối tháng 9 năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Đắk Nông đạt rất thấp. Nguyên nhân được xác định là hầu hết các công trình, dự án vướng quy hoạch bô-xít, chậm trong giải phóng mặt bằng; các mỏ đất quy hoạch làm vật liệu san lấp chưa được phê duyệt và thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện đối với một số nội dung thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia…
0:00 / 0:00
0:00
Công trình quảng trường trung tâm tỉnh Đắk Nông đang chậm tiến độ, phải điều chỉnh thời gian hoàn thành thêm ba tháng.
Công trình quảng trường trung tâm tỉnh Đắk Nông đang chậm tiến độ, phải điều chỉnh thời gian hoàn thành thêm ba tháng.

Năm 2023, tỉnh Đắk Nông có kế hoạch tổng vốn đầu tư công hơn 3.915 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 hơn 3.525 tỷ đồng, kế hoạch vốn kéo dài năm 2022 chuyển sang hơn 390 tỷ đồng.

Tính đến ngày 20/9, tỉnh Đắk Nông mới giải ngân được hơn 1.356 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 34,5% kế hoạch năm 2023. Đây là tỷ lệ giải ngân rất thấp so với cùng kỳ các năm trước.

Cụ thể, nguồn ngân sách địa phương giải ngân 585,5 tỷ đồng, đạt 39,7% vốn giao; nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 561 tỷ đồng, đạt 29,2% vốn giao; nguồn ODA giải ngân 4,5 tỷ đồng đạt 3,6%.

Điển hình, các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 có tổng nguồn vốn đầu tư gần 1.120 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh là 546 tỷ đồng, còn lại là nguồn Trung ương phân bổ. Đến nay, nguồn vốn của các chương trình này mới giải ngân được 55,6 tỷ đồng, đạt hơn 10,17% kế hoạch.

Vướng mắc ở nhiều cấp

Nguyên nhân của việc chậm giải ngân được xác định là có sự vướng mắc, chồng chéo ở nhiều cấp. Trước hết, vướng do công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện của các bộ, ngành Trung ương và địa phương còn chậm, chưa kịp thời trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn trong quá trình triển khai thực hiện. Một số văn bản đã ban hành nhưng vẫn còn phát sinh khó khăn.

Cụ thể, định mức về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nhà ở; định mức, hình thức hỗ trợ các dân tộc (Dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) gặp nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Dự án giảm nghèo bền vững) còn hạn chế…

Tại huyện Đắk R’Lấp, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022-2023 là hơn 118 tỷ đồng. Đến hết tháng 7 vừa qua, địa phương mới giải ngân được gần 21 tỷ đồng, đạt 17,7%. Trong số này, chủ yếu nguồn vốn giải ngân là chuyển tiếp của 2022, còn đối với nguồn vốn năm 2023 của các chương trình này vẫn “án binh bất động”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk R’Lấp Nguyễn Quang Tứ cho biết, đối với một số dự án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa ban hành định mức hỗ trợ nên không có cơ sở triển khai, nhiều hộ gia đình không đủ điều kiện theo hướng dẫn. Một số trường hợp khác, địa phương không đủ quỹ đất để bố trí. Trong khi huyện muốn hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân thì không có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Hiện quy định mức hỗ trợ cho các nhóm cộng đồng dân cư, quy định số lượng thành viên trong nhóm cộng đồng chưa cụ thể nên địa phương rất khó triển khai. Cùng với đó, một số công trình chậm do huy động nguồn vốn đối ứng chậm. Các văn bản hướng dẫn còn chung chung nên địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện.

Năm 2023, huyện Đắk G’long có tổng nguồn vốn đầu tư công gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công hiện đang gặp nhiều vướng mắc, chậm tiến độ. Tính đến ngày 15/9 mới giải ngân được 106 tỷ đồng, đạt hơn 21% kế hoạch giao. Đối với nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia mới giải ngân được 65,671/362,424 tỷ đồng, đạt 18,12%.

Nguyên nhân của thực trạng này là do các công trình xây dựng đường giao thông và công trình có khối lượng đào, đắp lớn đang gặp khó khăn, hoặc không thể khởi công vì mỏ đất, bãi thải của địa phương chưa được xác định. Các xã có các mỏ đất đã đưa vào quy hoạch tỉnh, nhưng chưa được cấp phép, nên chưa đủ căn cứ pháp lý để khai thác.

Cùng với đó, nhiều công trình, dự án có số vốn được giao rất lớn, nhưng đang vướng thủ tục, hồ sơ, nhất là vướng quy hoạch bô-xít nên chưa thể triển khai. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk G’long Trần Nam Thuần cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương hiện nay rất chậm. Toàn bộ các dự án tại năm trên bảy xã của huyện nằm trong ranh quy hoạch bô-xít.

Vì vậy, rất nhiều dự án trên địa bàn huyện nói chung và các dự án thuộc ba chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng thực hiện chậm hoặc không thể triển khai. Việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa kịp thời và chưa đồng nhất để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; một số văn bản chưa rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm nên địa phương còn lúng túng, mất nhiều thời gian nghiên cứu hoặc xin hướng dẫn của cấp trên…

Tháo gỡ khó khăn, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nói chung tại Đắk Nông đạt thấp là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là vướng quy hoạch bô-xít.

Tỉnh Đắk Nông có năm trong tổng số tám huyện, thành phố vướng vào quy hoạch này. Hầu hết các dự án, trong đó có những dự án trọng điểm, giao thông, dân dụng, công trình dân sinh… đều nằm trong ranh quy hoạch bô-xít.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Đình Ninh cho biết, quy hoạch bô-xít Đắk Nông có tổng diện tích hơn 200.000 ha, chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của tỉnh, bao trùm lên hơn 1.000 dự án của tỉnh.

Các quy định về tận thu khoáng sản đang là khó khăn rất lớn trong triển khai xây dựng các công trình hạ tầng, nhất là giao thông. Đây là rào cản trong đầu tư xây dựng của Đắk Nông hiện nay, và cũng là lực cản làm giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt rất thấp.

Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đạt cao nhất, góp phần thúc đẩy các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, tỉnh Đắk Nông đã tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, liên vùng; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành và địa phương.

Tỉnh yêu cầu quyết liệt, chủ động phối hợp, xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án được kịp thời, hiệu quả, bảo đảm theo thẩm quyền, trong đó cần phải tập trung giải quyết đúng các điểm nghẽn, nút thắt và phải có kết quả cuối cùng.

Xác định công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư... là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh: Với vai trò, trách nhiệm của mình, lãnh đạo các địa phương phải tìm mọi hướng đi, phấn đấu đến cuối năm giải ngân hơn 90% vốn đầu tư công.

Nếu vướng quy hoạch bô-xít có thể chuyển qua công trình khác ngoài vùng quy hoạch bô-xít. Những dự án không vướng phải tập trung đẩy nhanh tiến độ. Riêng các huyện Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô phải đẩy nhanh tiến độ gấp nhiều lần, vì không vướng vào ranh quy hoạch bô-xít. Tới đây, lãnh đạo tỉnh sẽ tính toán chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chuyển nguồn vốn về cho các địa phương nêu trên.

Cùng với các giải pháp quyết liệt, tỉnh Đắk Nông cũng yêu cầu các chủ đầu tư theo dõi, đôn đốc các đơn vị thi công tăng ca, tập trung nhân lực và máy móc thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện công tác nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành.

Giao các sở, ban, ngành tiếp tục xem xét tham mưu trình cấp có thẩm quyền nghiên cứu có định hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án cấp thiết cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn nằm trong khu vực quy hoạch bô-xít nhưng chưa có nhà đầu tư triển khai thực hiện.

Tỉnh Đắk Nông kiên quyết điều chuyển, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức công vụ, gây nhũng nhiễu tiêu cực trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023…