Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông

Nâng cao giá trị nông sản bằng phương thức sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng cao đang được nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông áp dụng. Hiện đã có 211 tổ chức, cá nhân được chứng nhận sản xuất theo các quy trình 4C, UTZ, Rainforest Alliance, VietGAP, GlobalGAP, Organic… hoặc tương đương, với tổng diện tích hơn 28.629 ha.
0:00 / 0:00
0:00
Cánh đồng lúa gạo đặc sản của Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Choáh.
Cánh đồng lúa gạo đặc sản của Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Choáh.

Đổi mới quy trình sản xuất

Nhận thấy tiềm năng và triển vọng của sản phẩm mắc-ca tại địa phương, năm 2019, chị Tôn Nữ Ngọc Như (xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức) đã chủ động liên kết với nhiều hộ canh tác cây mắc-ca tại địa phương để hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời đầu tư hơn 500 triệu đồng mua máy sấy, máy tách hạt để tạo nên chuỗi quy trình chế biến hạt mắc-ca.

Quá trình sản xuất, chị Như luôn nỗ lực để cải thiện quy trình nhằm từng bước nâng cao chất lượng; tập trung đầu tư thiết kế bao bì, mẫu mã để quảng bá sản phẩm; tìm hiểu cách tuyển lựa nguyên liệu chất lượng để chế biến, đóng gói nhằm tối ưu giá trị. Nhờ vậy, sản phẩm mắc-ca sau chế biến của chị Như hiện nay đã tăng giá trị từ 20%-35% so với trước, được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

Chị Tôn Nữ Ngọc Như cho biết, việc bán thô hạt mắc-ca như trước đây thì lợi nhuận của người trồng thấp, đầu ra không ổn định. Việc liên kết với người dân nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững, có lợi cho các bên mà trong đó cái được nhất là sản phẩm mắc-ca được tối ưu giá trị, phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện nay, cơ sở chế biến của chị Như sản xuất được khoảng 20 tấn mắc-ca sấy mỗi năm. Đơn vị đang tiếp tục đầu tư cải tiến quy trình sản xuất nhằm hướng tới sản phẩm mắc-ca đạt sản phẩm OCOP ở thứ hạng cao hơn, hướng tới thị trường xuất khẩu.

Chỉ với 3 ha cà-phê, năm 2022, gia đình anh Hồ Văn Vinh (xã Đắk Lao, huyện Đăk Mil) thu được gần 10 tấn nhân. Trong đó, có 5 tấn được sản xuất, chế biến theo quy trình cà-phê đặc sản, với tỷ lệ trái cà-phê hái chín đạt 100%. Sau khi đánh giá chất lượng cà-phê, đơn vị thu mua đã chốt giá 75.000 đồng/kg, cao hơn từ 30%-35% so với cà-phê sản xuất thông thường.

Anh Vinh cho biết, sản xuất cà-phê theo tiêu chuẩn cho sản lượng thấp hơn so với canh tác truyền thống, nhưng đổi lại giá bán cao hơn, vườn cây phát triển bền vững, sản phẩm an toàn cho sức khỏe, được thị trường đón nhận. Mặt khác, quá trình chăm sóc cà-phê sử dụng chủ yếu các loại phân vi sinh, chế phẩm sinh học, không dùng thuốc hóa học cho nên rất an toàn với sức khỏe, bảo đảm môi trường sinh thái, môi trường đất không bị ô nhiễm.

Trước đó, năm 2021, anh Hồ Văn Vinh đã mang cà-phê do mình canh tác tham dự cuộc thi cà-phê đặc sản tại tỉnh Đắk Lắk. Trong cuộc thi, cà-phê của anh Vinh đạt hơn 80 điểm, đạt cà-phê đặc sản. Từ đó, anh Vinh áp dụng quy trình này để sản xuất cà-phê, kết nối thị trường tiêu thụ.

Năm 2014, bà Trần Thị Thanh Vân, một nông dân sản xuất lúa giỏi ở thôn Thanh Sơn (xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô) đã vận động 12 hộ tham gia thành lập Tổ sản xuất lúa chất lượng cao. Các hộ dân trong tổ đã áp dụng canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ sản xuất nhờ đó từng bước nâng cao hiệu quả, giá trị lúa gạo ở Buôn Choáh.

Đến năm 2018, Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Choáh được thành lập trên cơ sở Tổ sản xuất lúa chất lượng cao. Hợp tác xã đã mở rộng quy mô sản xuất, chế biến lúa gạo đặc sản, khai thác lợi thế của địa phương. Hợp tác xã tập trung trồng các giống lúa có chất lượng gạo được xếp hạng ngon của thế giới như ST24, ST25; hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật ủ phân vi sinh bằng cách kết hợp phân chuồng, phế phẩm nông nghiệp từ vỏ trấu, rơm rạ… bón cho cây lúa.

Nhận thấy hiệu quả của kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn mang lại, nhiều nông dân trong vùng đã xin tham gia vào hợp tác xã. Hiện nay, hợp tác xã này đã liên kết với 304 hộ, xã viên sản xuất lúa với 440 ha lúa đặc sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt 3.372 tấn. Sản phẩm lúa, gạo của thành viên đều được Hợp tác xã bao tiêu đầu ra, với giá cao hơn thị trường. Nhờ phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, đời sống của nông dân cũng được nâng cao.

Bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng ban VietGAP Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, sản xuất lúa theo quy trình VietGAP giúp các thành viên giảm bớt được công lao động, tăng năng suất, sản lượng, lợi nhuận, giảm chi phí đầu vào. Chất lượng sản phẩm lúa gạo Buôn Choáh được thị trường đón nhận. So với cách sản xuất truyền thống thì sản xuất theo quy trình VietGAP tăng lợi nhuận 1,5 triệu đồng/sào…

Nâng tầm giá trị sản phẩm

Hiện nay, nhiều loại nông sản đang được người dân, doanh nghiệp ở Đắk Nông đầu tư máy móc chế biến, thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao giá trị và tạo dựng thương hiệu trên thị trường. Đắk Nông hiện có 34 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, chế biến cà-phê; có 10 cơ sở, doanh nghiệp chuyên sơ chế, chế biến hồ tiêu. Đối với cây ăn trái, toàn tỉnh có khoảng 18.535 ha, trong đó có 8.535 ha cho sản phẩm, sản lượng 86.640 tấn/năm. Có 1.085 ha sầu riêng, xoài, mít, bơ… sản xuất đạt các chứng nhận. Trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở sơ chế, chế biến trái cây.

Những năm qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Một số giải pháp công nghệ cao được áp dụng hiệu quả như: Nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh, quản lý dịch hại tổng hợp…

Từ năm 2018 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Nông đã thực hiện 6 dự án thử nghiệm, chuyển giao khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên nhiều loại cây trồng như cà-phê, hồ tiêu, lúa, hoa, rau, quả...; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông triển khai 6 dự án; 8 đề tài, dự án khoa học-công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Các dự án đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.

Đắk Nông có hơn 379.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Người dân đang chuyển dịch sản xuất theo hướng tích cực, giảm về tỷ trọng, tăng về giá trị. Các địa phương chú trọng ứng dụng khoa học-công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng hàng hóa, nâng cao tính cạnh tranh để tăng giá trị kinh tế.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện đã công nhận 4 vùng và 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Toàn tỉnh có 85.000 ha cây trồng ứng dụng về giống mới, tưới nước tiết kiệm, sản xuất chứng nhận, với sản lượng ước đạt hơn 404.000 tấn/năm. Đắk Nông đã hình thành được 23 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 5,21%.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, Phạm Tuấn Anh cho biết, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn đã từng bước thay đổi tập quán canh tác của nông dân, tiến đến sản xuất theo hướng kỹ thuật, chất lượng cao hơn, sạch hơn, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học được sản xuất đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Người dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất giúp khai thác tốt các điều kiện tự nhiên, lợi thế vùng, đem lại thu nhập ổn định, hướng đến sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông Hồ Gấm cho biết, địa phương đã và đang tập trung chuyển đổi mô hình, tư duy sản suất từ nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững, tăng thu nhập cho người dân. Hiện toàn tỉnh đã có hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp theo các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng. Việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đang tạo ra bước đột phá mới cho ngành nông nghiệp địa phương.

Các mô hình sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng đều được chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất. Từ đó, giúp nông dân tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, nhiều sản phẩm đã tiếp cận được thị trường thế giới như xoài, măng cụt, chanh dây, sầu riêng, bơ...

Đây là kết quả đáng ghi nhận đối với những nỗ lực của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước thời gian qua. Mục tiêu đến năm 2030, trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Đắk Nông sẽ thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận, nông nghiệp sạch, hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt ít nhất 20% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp.