Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với Synopsys đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch

NDO - Sự hợp tác giữa Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí và Tập đoàn công nghệ Synopsys (Hoa Kỳ) trong đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch được kỳ vọng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí và Tập đoàn công nghệ Synopsys (Hoa Kỳ) ký kết biên bản hợp tác
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí và Tập đoàn công nghệ Synopsys (Hoa Kỳ) ký kết biên bản hợp tác

Ngày 15/3, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí và Tập đoàn công nghệ Synopsys (Hoa Kỳ) tổ chức ký kết biên bản hợp tác tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam nói chung và hoạt động đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cần giải quyết 5 thách thức quan trọng: thu hút sinh viên giỏi; phát triển đội ngũ giảng viên; xây dựng chương trình đào tạo mới; đầu tư phòng thí nghiệm và phần mềm; hợp tác R&D (nghiên cứu và phát triển) giữa các doanh nghiệp và đại học.

Đối với thu hút sinh viên giỏi, các trường đại học Việt Nam bắt đầu mở mới ngành học liên quan công nghệ vi mạch bán dẫn. Để thu hút được học sinh giỏi quan tâm theo học, cần thêm nhiều thông tin về cơ hội việc làm, triển vọng phát triển nghề nghiệp, nhất là cam kết mạnh mẽ của các doanh nghiệp.

Về phát triển đội ngũ giảng viên, các trường đại học hiện có rất ít giảng viên được đào tạo bài bản về công nghệ vi mạch bán dẫn. Các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này thường lựa chọn ở lại nước ngoài, làm việc cho các tập đoàn lớn với mức lương cao. Đội ngũ giảng viên giỏi là điều kiện cần để duy trì chất lượng đào tạo.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với Synopsys đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch ảnh 2

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ ký kết.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, việc mở mới các ngành đào tạo về công nghệ bán dẫn-vi mạch đòi hỏi các trường đại học phải xây dựng chương trình đào tạo vừa bảo đảm các kiến thức nền tảng, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của công nghệ và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Ngoài ra, cần bảo đảm đủ chỗ cho sinh viên được thực tập trong quá trình đào tạo.

Việc hợp tác với Synopsys được kỳ vọng sẽ giúp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo được khoảng 1.800 kỹ sư có trình độ cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

Về đầu tư phòng thí nghiệm và phần mềm, các trường đại học còn thiếu hệ thống các phòng thí nghiệm và phần mềm thiết kế vi mạch chuyên dụng để sinh viên có thể thực hành. Chi phí đầu tư cho các hệ thống này rất cao, thường vượt quá khả năng đáp ứng của các trường đại học.

Còn việc hợp tác R&D giữa các doanh nghiệp và đại học, hiện có rất ít các tập đoàn công nghệ của nước ngoài đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam; trong đó, có lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn. Điều này hạn chế năng lực nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của các trường đại học.

Để vượt qua 5 thách thức trên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Synopsys đã trao đổi và xác định sẽ cùng triển khai các giải pháp. Cụ thể, Synopsys chia sẻ giáo trình đào tạo và cấp phép sử dụng các bộ công cụ, phần mềm thiết kế chip cho sinh viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Synopsys tiếp nhận sinh viên đến thực tập và giới thiệu cơ hội việc làm cho kỹ sư thiết kế vi mạch được đào tạo tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với Synopsys đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch ảnh 3

Sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh học tập tại Phòng Thí nghiệm Vi mạch và Hệ thống cao tần. (Ảnh Thiện Thông)

Synopsys hỗ trợ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ lĩnh vực thiết kế vi mạch thông qua chương trình đào tạo ngắn hạn “Train-the-Trainer”. Theo đó, giảng viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm việc tại Synopsys trong thời gian 4 tháng để bồi dưỡng kiến thức thực tiễn.

Năm 2024, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở mới và tuyển sinh đào tạo ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn tại 3 trường đại học thành viên (Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Công nghệ thông tin).

Hai bên phối hợp phát triển Viện nghiên cứu bán dẫn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trở thành nơi cung cấp các trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu dùng chung cho các trường đại học, các công ty khởi nghiệp và là trung tâm kết nối, phát triển hợp tác lĩnh vực bán dẫn giữa Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với doanh nghiệp, viện, trường đại học trong và ngoài nước.

Synopsys hỗ trợ kết nối để Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đối tác toàn cầu của Synopsys. Đồng thời, trao đổi, thúc đẩy các đối tác này xây dựng trung tâm R&D tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê từ Synopsys, có trên 53% số kỹ sư đang làm việc cho các doanh nghiệp thiết kế vi mạch được đào tạo từ các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn.

Năm 2024, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đầu tư khoảng 80 tỷ đồng cho 2 phòng thí nghiệm mới về công nghệ vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Trường đại học Công nghệ thông tin với nhiều trang thiết bị hiện đại, nhằm phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu. Trước đó, năm 2018, đơn vị này cũng đầu tư hơn 60 tỷ đồng để thành lập Phòng thí nghiệm Vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường đại học Bách khoa.