Ngày 14/11, tại Hà Nội, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chủ trì tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn với chủ đề “Phương án tăng thuế đạt đa mục tiêu và lợi ích bền vững”.
Tham dự hội thảo có đông đảo các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các hiệp hội, các chuyên gia kinh tế, tài chính, pháp chế, thuế, thương mại, đại diện các doanh nghiệp, chuỗi giá trị ngành hàng…
Hướng đến mục tiêu điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, cho biết, theo kế hoạch, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra. Đây là một trong số 13 dự án luật được chính thức cho ý kiến trong kỳ họp quốc hội lần này.
TS Chử Văn Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kinh tế Việt Nam phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Với cách tiếp cận lấy ý kiến rộng rãi nhằm giúp các cơ quan soạn thảo luật, cơ quan thẩm tra luật có thêm thông tin đa chiều, làm cơ sở để hoàn thiện dự thảo luật cũng như báo cáo thẩm tra luật, thời gian qua, các bên liên quan gồm các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cùng nhiều chuyên gia đã phân tích, chia sẻ ý kiến và đề xuất các giải pháp.
Đa số các ý kiến đóng góp cho dự thảo luật đều thống nhất với quan điểm việc tăng thuế là cần thiết. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến mong muốn các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu, tính toán đo lường kỹ lưỡng các yếu tố tác động cả trong ngắn hạn và trung hạn để xác định mức tăng, thời điểm tăng và khoảng cách tăng phù hợp, đạt điểm tăng tối ưu, đạt được các mục tiêu sửa đổi luật thuế đã đặt ra đối với mặt hàng bia nói riêng và đồ uống có cồn nói chung.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, cho biết, trong bối cảnh 4 năm vừa qua kinh tế toàn cầu suy giảm, phục hồi chậm sau dịch Covid-19, ngành đồ uống đối mặt khó khăn kép khi không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng (giảm 2%) đối với đồ uống có cồn, trong khi chi phí, giá nguyên vật liệu chính tăng từ 15-40%.
TS Cấn Văn Lực phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Trên nền khó khăn của ngành đồ uống, theo TS Cấn Văn Lực, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống có cồn sẽ khiến doanh nghiệp “khó chồng khó”. Ông Lực cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống có cồn có tác động tăng thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng trong trung, dài hạn chưa mang lại những tác động như mong muốn.
Từ đó, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cần có đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, có cơ sở khoa học và sát thực tiễn liên quan việc tăng thuế này trên cơ sở hài hòa lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của TS Lực, đại biểu Quốc hội, TS Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần tính toán làm sao hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, bởi đây là vấn đề có tác động trên nhiều lĩnh vực của xã hội.
Đại biểu Quốc hội, TS Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Đồng quan điểm, TS Vương Quang Lượng, Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cũng nhìn nhận, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia cần bảo đảm sự cân bằng và bền vững lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu để ảnh hưởng đến sản xuất sẽ dẫn đến các vấn đề xã hội khác như việc làm, nạn hàng giả, hàng nhập lậu,...
Theo ông Lượng, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt phải hướng đến thực hiện mục tiêu điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, chính sách này cần đi kèm với việc tăng cường công tác thực thi pháp luật, quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, bảo đảm nguồn thu ngân sách và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Do đó, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cần có lộ trình cụ thể, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền đến các đối tượng nộp thuế.
Cần có các đánh giá tác động kỹ lưỡng
Đại biểu Quốc hội, GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Khẳng định việc cần thiết phải điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn, đại biểu Quốc hội, GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, phải có phương án hài hòa, hợp lý để bảo đảm doanh nghiệp không "sốc" trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Đại biểu Cường cũng kiến nghị cần có các đánh giá tác động kỹ hơn của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thu ngân sách, tình hình việc làm...
TS Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần đánh giá toàn diện và tính tới các yếu tố như tính chất mặt hàng và mức độ ảnh hưởng của việc tiêu thụ sản phẩm đến sức khỏe, bối cảnh kinh tế, thực trạng doanh nghiệp, yêu cầu về phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ trong nước, các công cụ điều tiết khác sẵn có và các tác động kinh tế, xã hội.
TS Nguyễn Minh Thảo khuyến nghị, với cơ quan quản lý nhà nước, cần tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách, đồng thời áp dụng nhiều công cụ quản lý khác nhau nhằm điều tiết tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm, đồ uống,...
Các hiệp hội, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, phối hợp cung cấp thông tin, cơ sở khoa học tới cơ quan soạn thảo và các bên liên quan trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo luật, cũng như phản ánh các vướng mắc, khó khăn và đề xuất các kiến nghị liên quan chính sách và thực thi chính sách để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp ngành đồ uống nói chung và ngành bia nói riêng cũng cần nghiên cứu đa dạng hóa, cơ cấu lại sản phẩm, đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe, đồng thời cấu trúc lại hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh để tiết giảm chi phí, từ đó giúp giảm giá thành sản phẩm, duy trì thị trường.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, vào ngày 22/11 tới đây, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về nội dung này, trước khi tiếp tục tiến hành thảo luận ở hội trường vào ngày 27/11.