Đại biểu Quốc hội đề xuất thành lập đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo

NDO - Trước tình trạng thuốc bán online gây nguy hại đến sức khỏe, những sản phẩm quảng cáo là thuốc nhưng không phải là thuốc tràn lan trên mạng, đại biểu Quốc hội đề nghị luật cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong vấn đề này, cũng như cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên mạng và cung cấp thông tin công khai cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Quản lý chặt chẽ kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử

Chiều 18/6, thảo luận tại tổ của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) bày tỏ nhất trí với việc xây dựng dự án luật. Theo đại biểu, thực tế thời gian qua có nhiều vấn đề phát sinh về mua bán, sử dụng thuốc trong các bệnh viện cũng như bên ngoài.

Về trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc thuốc bán trực tuyến gây nguy hại đến sức khỏe, những sản phẩm quảng cáo là thuốc nhưng không phải là thuốc, đại biểu Hiếu chia sẻ, bản thân ông “không có ngày nào không có người dân gọi đến hỏi thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh sử dụng không mà người ta sử dụng hình ảnh anh để bán trên mạng rất nhiều”.

Theo bác sĩ Hiếu, quản lý quảng cáo được rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng riêng đối với thuốc, cần quy định rõ trách nhiệm Bộ Y tế.

Đại biểu Quốc hội đề xuất thành lập đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo ảnh 1

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 8 của Quốc hội, chiều 18/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu đề nghị trong dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên mạng xã hội, tiếp nhận, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng điều tra, công khai cho người dân biết trên các trang web, app của Bộ Y tế để phòng tránh.

Góp ý về quy định đối với phương thức kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử được quy định tại Điều 42 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) cho biết, quy định này cho thấy các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua: Website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương (không được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến).

Đại biểu cho rằng, việc cho phép bán thuốc qua thương mại điện tử cần được kiểm soát rất chặt chẽ. Mục tiêu đặt ra là người dân mua được thuốc dễ dàng và phải an toàn, bảo đảm có đơn của bác sĩ và được tư vấn dược đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được các phản ứng có hại của thuốc, bên cạnh đó còn vấn đề khác như thu hồi thuốc…

Đại biểu Quốc hội đề xuất thành lập đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Dự thảo quy định các sơ sở bán lẻ được bán thuốc thuộc danh mục của Bộ Y tế quy định được phép bán theo phương thức thương mại điện tử và phù hợp với phạm vi kinh doanh. Đại biểu bày tỏ băn khoăn nếu đó là một nhà thuốc trong chuỗi dùng chung một website thì người dân xác định nơi bán như thế nào?

Về nguyên tắc, các công ty bán buôn không được phép bán lẻ đến người dân, vấn đề này cần được làm rõ khi doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ bán thuốc cho người dân, vì có liên quan đến trách nhiệm của từng chủ thể khi xử lý vụ việc.

Ngoài ra, đại biểu cũng nêu rõ, hàng giả bán trên Internet đang là một vấn đề được phản ánh nhiều hiện nay. Do đó, lực lượng chức năng vô cùng khó khăn bởi “xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn…”.

Bởi vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án luật có quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn về phương thức kinh doanh mới này.

“Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, do vậy thương mại điện tử thì cơ sở tham gia phải đủ điều kiện kinh doanh dược và chỉ được bán các thuốc thuộc danh mục không kê đơn”, đại biểu nhấn mạnh.

Kiến nghị bãi bỏ yêu cầu gia hạn giấy phép lưu hành thuốc

Đại biểu Quốc hội đề xuất thành lập đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) góp ý về thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu thuốc tại điểm b khoản 25 Điều 1 dự thảo luật.

Đại biểu cho rằng, Bộ Y tế nên cân nhắc bãi bỏ yêu cầu gia hạn giấy phép lưu hành, cụ thể cho thuốc không ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian 5 năm kể từ khi được cấp giấy phép lưu hành, sẽ tiếp tục được gia hạn giấy phép lưu hành với thời hạn không xác định kể từ lần đầu gia hạn.

Lý do theo đại biểu, theo Quyết định 1661/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng của Bộ Y tế đã phê duyệt định hướng bãi bỏ thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc lộ trình thực hiện là trong năm 2022-2023.

Theo quyết định này, trên thực tế có nhiều thuốc đã lưu hành nhiều năm trên thế giới cũng như tại Việt Nam với chất lượng thuốc đã được khẳng định và không có vi phạm về chất lượng, đối với thuốc đáp ứng các điều kiện này thì việc quy định gia hạn giấy đăng ký lưu hành là không cần thiết.

Theo đại biểu, mặc dù tại dự thảo luật cũng đã điều chỉnh, bổ sung một số quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục này vẫn còn tạo gánh nặng thủ tục hành chính và chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Về quy định kê khai giá, kê khai lại giá thuốc tại điểm b khoản 38 Điều 1 dự thảo luật quy định: “Kê khai giá bán buôn dự kiến phù hợp với mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng tương tự trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường, kê khai lại khi thay đổi giá bán buôn thuốc dự kiến đã kê khai theo quy định tại Luật này và kê khai giá bán buôn, bán lẻ theo quy định tại Luật Giá, đại biểu đề nghị quy định việc kê khai, kê khai lại giá bao gồm giá bán buôn và bán lẻ.

Theo đại biểu, lý do bởi mục đích của kê khai giá nhằm phục vụ cho cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, phân tích, dự báo thông tin giá cả thị trường, trên cơ sở đó kịp thời đề xuất các biện pháp bình ổn giá, bảo đảm quyền và lợi ích cho người tiêu dùng được hưởng mức giá hợp lý nhất.

Đại biểu phân tích, thực tế người tiêu dùng mua thuốc là mua theo giá bán lẻ, việc bình ổn giá bán lẻ sẽ đến tay người tiêu dùng. Do đó, việc kê khai giá bán buôn mà không kê khai giá bán lẻ sẽ không phù hợp với mục đích của việc bình ổn giá.