Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 18/6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Trình bày tờ trình về dự thảo Luật, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật, ngành dược Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trình bày tờ trình về dự thảo Luật. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: một số quy định về quản lý đến chất lượng thuốc chưa phù hợp chủ trương phân cấp quản lý; một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá cho công nghiệp dược Việt Nam trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, một số quy định về quản lý giá thuốc chưa phù hợp thực tiễn cũng như pháp luật về giá mới được ban hành; một số quy định về đăng ký, sản xuất, xuất, nhập khẩu và cung ứng thuốc không phù hợp hoặc chưa được quy định để thực hiện trong trường hợp khẩn cấp đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, an ninh, quốc phòng.
“Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm 3 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 44 điều của 8 chương trong tổng số 116 Điều của 14 Chương của Luật Dược năm 2016.
Kiểm soát giá thuốc để hạn chế tăng giá qua mỗi khâu trung gian
Về quản lý giá thuốc, khoản 2 Điều 3 Luật Giá 2023 quy định: “Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về quản lý, điều tiết giá khác với quy định tại Luật Giá thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Giá, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó”.
Căn cứ điều khoản trên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược quy định rõ đặc thù về kê khai giá thuốc, khác với quy định về kê khai giá hàng hóa thông thường theo quy định của Luật Giá.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 107 theo hướng thực hiện kê khai giá đối với các nhóm thuốc, danh mục thuốc do Chính phủ ban hành.
Cụ thể, kê khai giá bán buôn dự kiến phù hợp với mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng tương tự trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường, kê khai lại khi thay đổi giá bán buôn thuốc dự kiến đã kê khai theo quy định tại Luật này và kê khai giá bán buôn, bán lẻ theo quy định tại Luật Giá.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 109 theo hướng đề xuất, phối hợp các bộ, ngành liên quan về việc trình Chính phủ ban hành danh mục thuốc, nhóm thuốc thực hiện kê khai giá bán buôn dự kiến và ban hành nguyên tắc công bố giá thuốc giá bán buôn dự kiến do các đơn vị kê khai.
Bên cạnh đó, quy định thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc đối với thuốc thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo quy định của Luật Giá; đàm phán giá đối với các gói thầu mua thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá theo quy định tại Luật Đấu thầu.
Liên quan trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện quy định về kê khai giá thuốc, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 114 theo hướng quy định: cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thực hiện kê khai giá bán buôn dự kiến phù hợp với mặt bằng giá thị trường trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường và kê khai lại khi thay đổi giá bán buôn thuốc dự kiến đã kê khai theo quy định tại Luật này.
Cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ thực hiện kê khai giá bán sau khi quyết định giá theo quy định tại Luật Giá. Giá bán buôn do cơ sở bán buôn kê khai không được cao hơn giá bán buôn dự kiến do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất đã kê khai và được Bộ Y tế công bố.
Thẩm tra nội dung về quản lý giá thuốc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, việc sửa đổi quy định liên quan đến quản lý giá thuốc nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Giá năm 2023, song quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất thuốc và cơ sở nhập khẩu thuốc trong việc kê khai lần đầu giá bán buôn thuốc dự kiến trước khi đưa thuốc ra lưu hành trên thị trường, kê khai lại khi thay đổi giá bán buôn thuốc dự kiến đã kê khai là chưa phù hợp với Luật Giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Ủy ban Xã hội thấy rằng, thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, trong nhiều quan hệ mua bán thuốc có sự bất cân xứng về thông tin, hiểu biết về thuốc và giá thuốc giữa người tiêu dùng và người bán, do đó, cần bảo đảm vai trò quản lý và tham gia điều tiết của Nhà nước; giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cụ thể hơn nguyên tắc xác định “mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng tương tự” khi kê khai giá bán buôn dự kiến (quy định tại khoản 3 Điều 107) để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật.
Bổ sung trách nhiệm trong tăng cường thanh tra việc thực hiện quy định về quảng cáo thuốc
Dự thảo Luật bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số quy định về thông tin, quảng cáo thuốc. Theo đó, bỏ nội dung quy định hồ sơ, thủ tục tiếp nhận, thẩm định và xác nhận nội dung thông tin thuốc tại khoản 3 Điều 78 và yêu cầu xác nhận nội dung quảng cáo thuốc tại khoản 1 và 3 Điều 79; bỏ điểm a khoản 10 Điều 6 đối với hành vi nghiêm cấm quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc quảng cáo thuốc không đúng với nội dung đã được xác nhận.
Bổ sung đối tượng được thông tin thuốc là người hành nghề dược; quy định rõ các thuốc được thông tin thuốc; quy định về nguyên tắc đối với nội dung và yêu cầu thông tin thuốc, quảng cáo thuốc.
Cụ thể, nội dung quảng cáo thuốc phải đúng với mẫu nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc được Bộ Y tế phê duyệt và phải có lời dặn “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.
Không được sử dụng các thông tin, hình ảnh, câu từ vượt quá, gây hiểu nhầm, tạo ra cách hiểu không đúng hoặc suy diễn quá mức về tên thuốc, thành phần, tác dụng, chỉ định, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc đã được phê duyệt để quảng cáo thuốc; các câu, từ mang tính mách bảo, truyền miệng để khuyên dùng thuốc;
Không được sử dụng danh nghĩa, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn của tổ chức, cá nhân hoặc hình ảnh động vật, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để quảng cáo thuốc.
Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 79 theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết cách ghi, trình bày, yêu cầu đối với nội dung quảng cáo thuốc; các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc; yêu cầu và trách nhiệm đối với các đối tượng thực hiện, tham gia quảng cáo thuốc.
Dự thảo Luật quy định bỏ thủ tục xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc và chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang cơ chế “hậu kiểm” đối với các hoạt động thông tin và quảng cáo thuốc.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, với những ảnh hưởng quan trọng của thuốc với sức khỏe nhân dân và thực tiễn hoạt động quảng cáo cho thấy còn nhiều bất cập, làm người dân hiểu sai về tác dụng của thuốc, đa số ý kiến Ủy ban Xã hội không đồng ý với việc chuyển hoàn toàn quản lý quảng cáo thuốc sang cơ chế “hậu kiểm”.
Làm rõ nguyên nhân, bà cho biết công tác quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động này chưa được triển khai thường xuyên, kịp thời, hiệu quả, do đó đề nghị tiếp tục áp dụng đồng thời cả “tiền kiểm” và “hậu kiểm”; bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về quảng cáo thuốc.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, dự thảo Luật bổ sung oxy y tế vào phạm vi điều chỉnh của Luật nhưng mới chỉ dừng ở việc bổ sung định nghĩa và quy định sản phẩm này phải bảo đảm chất lượng khi lưu hành.
Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị không điều chỉnh tại Luật này do oxy y tế không phải là thuốc. Trước đây, khí y tế (bao gồm oxy y tế) thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định về thiết bị y tế nhưng đã được bỏ ra khi sửa đổi Nghị định này. Chính phủ cũng chưa đánh giá tác động của chính sách về quản lý oxy y tế, mặc dù đã được cơ quan thẩm tra đề nghị nhiều lần.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật để quản lý oxy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế.