Đà Nẵng vững bước đi lên

NDO - 48 năm sau Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, cùng với cả nước, Đà Nẵng từ một đô thị nhỏ, chủ yếu phục vụ mục đích quân sự, thành phố bên sông bên biển đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, với những bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế-xã hội của miền trung-Tây Nguyên và cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Khu nghỉ mát 5 sao ở bán đảo Sơn Trà nổi tiếng thế giới.
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Khu nghỉ mát 5 sao ở bán đảo Sơn Trà nổi tiếng thế giới.

Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Kiều Đa chậm rãi rót chén nước trà đặc sánh, nhấp từng ngụm nhỏ, lần giở những bức ảnh cũ, những kỷ vật thời chiến với ánh mắt trầm ngâm, rồi nhẹ nhàng kể: "Tôi quê Điện Bàn (Quảng Nam) nhưng sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, tham gia hoạt động trong phong trào sinh viên rồi Đội biệt động quận Nhất. Sau khi Tây Nguyên được giải phóng, tiếp đó là Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi…, chúng tôi nhận lệnh của cấp trên chuẩn bị mọi điều kiện để đón lực lượng chính quy vào giải phóng Đà Nẵng.

Tôi được phân công nhiệm vụ chỉ huy lực lượng nội thành tấn công chiếm tòa Thị chính. Kế hoạch ban đầu là sáng 30/3/1975 sẽ bắt đầu nổ súng, nhưng tình hình thay đổi quá nhanh, nhiều lực lượng tập trung của địch đã tự bỏ súng chạy trốn, chính quyền ngụy hầu như tan rã. Vì thế, chúng tôi nhận lệnh hỏa tốc là tiến đánh sớm hơn một ngày.

Sáng 29/3, cánh quân chúng tôi tiếp cận tòa Thị chính, hầu như không gặp phải sự kháng cự nào, cho dù lực lượng chính quy của ta lúc đó còn ở ngoại thành. Khi quân ta tiến vào, ngoài một vài cứ điểm địch đang cố thủ, rất ít nơi phải nổ súng chiến đấu. Các cơ sở cách mạng đã may sẵn cờ, nhân dân đổ ra đường chào mừng quân giải phóng. Bây giờ nhớ lại, vẫn thấy rất hào hùng, phấn khởi".

Khi được hỏi về cảm nhận đối với hiện tại, ánh mắt người Đội trưởng Biệt động thành lấp lánh: "Tự hào lắm, Đà Nẵng trước đây chỉ là đô thị nhỏ, chủ yếu phục vụ mục đích quân sự của Mỹ-ngụy. Kể từ khi chia tách năm 1997, Đà Nẵng trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Với quyết tâm cao độ, Đà Nẵng đã nỗ lực chỉnh trang, mở rộng và phát triển không gian đô thị, dù ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 120 nghìn hộ dân, nhưng với sự đồng thuận cao, chấp nhận khó khăn, hy sinh trước mắt để góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội".

Đà Nẵng vững bước đi lên ảnh 1

Thu hoạch vụ mùa bằng cơ giới hóa ở huyện Hòa Vang.

Đến nay, Đà Nẵng trở thành hình mẫu vượt gian khó đi lên, được xếp vào nhóm địa phương có tốc độ phát triển nhanh, hiệu quả của Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Đà Nẵng giai đoạn 1997-2022 đạt gần 9%/năm, tăng trưởng kinh tế năm 2022 tăng 14,05% so với năm 2021; tăng 15,34% so với năm 2020 và tăng 6,34% so với năm 2019.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 4.313USD, tăng 11,9% so với năm 2021, gấp 18 lần so với năm 1997, cao hơn bình quân chung cả nước khoảng 1,7 lần và là một trong 16 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách Trung ương.

Năm 2022, Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất theo đánh giá của Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam; đứng thứ ba trong Top 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á-Giải thưởng du lịch châu Á 2022 và giải thưởng “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2022.

Điểm nhấn của Đà Nẵng trong 25 năm gần đây là, công cuộc chỉnh trang, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; không gian đô thị mở rộng gấp hơn bốn lần so với năm 1997; từ một thành phố chỉ có 360 đường phố, nay Đà Nẵng đã có hơn 2.400 con đường; nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm, quy mô lớn, hiện đại.

Đặc biệt, hạ tầng du lịch cao cấp của thành phố từ con số không, đến nay Đà Nẵng sở hữu hệ thống khách sạn năm sao đẳng cấp thế giới như: InterContinental Danang, BanaHill, Vinpearl, Pullman, BRG, Furama Resort... cùng những danh lam thắng cảnh đẹp và hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Sức hấp dẫn đó được tạo ra từ sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân lớn trong việc kiến tạo những biểu tượng du lịch.

Đà Nẵng vững bước đi lên ảnh 2

Đà Nẵng - thành phố bên biển bên sông, như con rồng lớn đang vươn mình trỗi dậy.

Công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch Đà Nẵng được quan tâm. Thành phố đã tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại một số thị trường quốc tế trọng điểm (Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh-Đức-Hà Lan, Nhật Bản, Singapore...), xúc tiến khôi phục đường bay quốc tế đến Đà Nẵng (hiện nay có 12 đường bay quốc tế trực tiếp từ Hàn Quốc, Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore, Siêm Riệp (Campuchia), New Delhi và Mumbai (Ấn Độ), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) đến Đà Nẵng)...

Đây là lợi thế để Đà Nẵng thu hút khách quốc tế trở lại so với thời kỳ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Điểm nhấn của Đà Nẵng trong 25 năm gần đây là, công cuộc chỉnh trang, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; không gian đô thị mở rộng gấp hơn bốn lần so với năm 1997; từ một thành phố chỉ có 360 đường phố, nay Đà Nẵng đã có hơn 2.400 con đường; nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm, quy mô lớn, hiện đại.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh chia sẻ: Không chỉ chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, môi trường đầu tư của Đà Nẵng được đánh giá năng động, thông thoáng; luôn dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số.

Nhờ đó, 2 năm liên tiếp gần đây Đà Nẵng được xếp dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; 3 năm liên tiếp (2020-2022) nhận Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam, cùng 3 giải thưởng lớn: “Thành phố dịch vụ công thông minh”, “Thành phố hạ tầng số thông minh”, “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn đạt nhiều giải thưởng chuyên đề ở các lĩnh vực giao thông, logistics thông minh; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ứng dụng thành phố thông minh… Các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, lễ hội pháo hoa quốc tế… đã tạo nên thương hiệu riêng cho Đà Nẵng là điểm đến của khu vực và thế giới; là thành phố an bình và đáng sống.

Đà Nẵng vững bước đi lên ảnh 3

Đà Nẵng nhanh chóng trở thành đô thị hiện đại, văn minh, đáng sống.

Năm 2022, Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất theo đánh giá của Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam; đứng thứ ba trong Top 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á-Giải thưởng du lịch châu Á 2022 và giải thưởng “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2022.

Ông Nguyễn Hữu Dược, 60 tuổi, trú ở đường Trần Văn Thành, quận Ngũ Hành Sơn tự hào: "Tôi sinh sống làm làm việc ở Đà Nẵng đã hơn 40 năm, chứng kiến những đổi thay to lớn, mạnh mẽ của thành phố. Ngày xưa, hai bờ sông Hàn chỉ là những xóm nhà chồ (nhà tạm dựng ven bờ sông), thì nay là những tuyến phố rộng rãi, khang trang và hiện đại bậc nhất Việt Nam. Đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân cũng thay đổi vượt bậc".

Để Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn mới, ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đà Nẵng đang bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới theo chiều sâu. Chúng tôi xác định, cần tập trung phát triển kinh tế theo ba trụ cột là du lịch-công nghiệp công nghệ cao-dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Nghị quyết khẳng định: Đà Nẵng giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước; đồng thời đặt ra kỳ vọng và yêu cầu cao với thành phố: “Đến năm 2045, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đẳng cấp khu vực châu Á”.

Phát huy những thành quả to lớn sau 48 năm giải phóng, Đảng bộ thành phố đã và đang bước vào chặng đường mới với thế và lực mới, quyết tâm và chủ động phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, đổi mới toàn diện, nâng cao quy mô và chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn để hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố đáng sống, trở thành cực tăng trưởng của vùng duyên hải miền trung, có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực.

Nhấn mạnh về định hướng phát triển của Đà Nẵng trong giai đoạn mới, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng chỉ rõ: Đà Nẵng đang bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới theo chiều sâu. Chúng tôi xác định, cần tập trung phát triển kinh tế theo ba trụ cột là du lịch-công nghiệp công nghệ cao-dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế.

Muốn đạt được điều đó, trước mắt thành phố cần tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, triển khai mạnh mẽ chuyển đối số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” gắn với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, nhằm bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Giữ vững và tăng cường an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng an bình, là điểm đến an toàn, tin cậy đối với du khách, nhà đầu tư và bạn bè quốc tế, là cực tăng trưởng cho vùng duyên hải miền trung nói riêng và cả nước nói chung.