Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội

NDO - Ngày 22/9, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 -2020 và bàn giải pháp tiếp tục thực hiện chính sách xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2021-2030.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.
Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện nhiều đề án, chương trình an sinh xã hội mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, có nhiều chính sách vượt trội, như nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội; nâng mức xây mới, sửa chữa nhà ở; mức hỗ trợ bảo hiểm y tế, giáo dục…; các chương trình: Không có hộ đặc biệt nghèo, Không có người lang thang xin ăn, Có việc làm, Có nhà ở…

Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức xã hội đã tích cực tham gia giám sát, phản biện trong việc hoạch định chính sách, việc triển khai thực hiện chính sách và huy động nguồn lực trợ giúp các đối tượng chính sách.

Hằng năm, ngân sách thành phố chi hơn 356 tỷ đồng cho hơn 18.400 lượt đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng; chi gần 30 tỷ đồng tặng quà cho gần 50 nghìn lượt đối tượng, gia đình chính sách vào dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh-Liệt sĩ.

Thành phố thực hiện bảo đảm các chính sách hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ưu đãi học sinh, sinh viên trong giáo dục và đào tạo; giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng; xây dựng, tu bổ nghĩa trang, tượng đài liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ...

Phong trào Đền ơn đáp nghĩa được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, thực hiện. Đến nay, không còn hộ người có công với cách mạng ở nhà tạm, nhà dột nát, 100% hộ gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên so với dân cư nơi cư trú. 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được nhận phụng dưỡng hằng tháng với mức 1 triệu đồng trở lên. Bình quân, mỗi năm Đà Nẵng giải quyết việc làm cho hơn 30 nghìn lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3,2% vào cuối năm 2020.

Hằng năm, Đà Nẵng chi hơn 356 tỷ đồng cho hơn 18.400 lượt đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng; chi gần 30 tỷ đồng tặng quà cho gần 50 nghìn lượt đối tượng, gia đình chính sách vào dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh-Liệt sĩ.

Giai đoạn 2012-2021, thành phố đã 3 lần nâng chuẩn nghèo cao hơn mức chung; đồng thời ban hành các chính sách đặc thù tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ổn định cuộc sống, thoát nghèo một cách bền vững.

Đà Nẵng đã giúp 57.906 hộ nghèo vươn lên, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm từ 2% trở lên. Đề án giảm nghèo trên địa bàn thành phố qua các giai đoạn đều hoàn thành và về đích trước 2 năm.

Về lĩnh vực bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc so lực lượng lao động tăng từ 37,28% năm 2012 lên 45,4% năm 2019 (năm 2020, 2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19, tỷ lệ còn 41,04%). Số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 đạt 36,95%, ước năm 2022 đạt 39,45%.

Đà Nẵng cũng nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn 20 đến 30% so mức chung, mở rộng các nhóm đối tượng và điều kiện được hưởng, như bộ đội xuất ngũ bị bệnh tâm thần chưa được hưởng chế độ đối với người có công, quân nhân ở các chiến trường B.C.K, người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo thuộc hộ nghèo…, chi trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, mai táng phí cho gần 33 nghìn người, với gần 250 tỷ đồng/năm.

Vào dịp Tết Nguyên đán, thành phố hỗ trợ tiền mặt cho hơn 35 nghìn lượt hộ; hỗ trợ lương thực cho 57 nghìn khẩu, tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng/năm; trợ cấp khó khăn đột xuất cho gần 1.000 người, kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, trong năm 2020, thành phố đã hỗ trợ cho 26.560 đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Thành phố hiện có 13 cơ sở trợ giúp xã hội, đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 1.800 đối tượng (trong đó có 613 người ngoài tỉnh). Ngân sách thành phố bố trí kinh phí 100% cho hoạt động của các cơ sở công lập và hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng đối tượng tại cơ sở ngoài công lập theo quy định.

Các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường cũng được thực hiện đồng bộ, đầu tư quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp học bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Mạng lưới y tế được hoàn thiện từ thành phố đến cơ sở, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, triển khai các kỹ thuật y tế chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho đối tượng chính sách. Phát triển nhà ở xã hội, ưu tiên bố trí cho các đối tượng thuộc diện giải toả, gia đình chính sách, người có thu nhập thấp…

Thành phố triển khai và thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo Nghị quyết 68/NQ và Quyết định 23 của Chính phủ với số tiền hơn 186 tỷ đồng cho 74.686 đối tượng; thực hiện chính sách hỗ trợ riêng của thành phố cho 95.330 người với số tiền 91 tỷ đồng; gần 12 nghìn lượt lao động được vay vốn ưu đãi với số tiền 45,6 tỷ đồng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện các chính sách xã hội hết sức hiệu quả, tích cực, bao trùm và toàn diện.

Đà Nẵng đã bảo đảm các điều kiện tối thiểu về y tế, giáo dục, nước sạch, môi trường, nhà ở, việc làm, thông tin truyền thông, trợ giúp người nghèo, đối tượng xã hội, đối tượng yếu thế, phù hợp tình hình kinh tế-xã hội thành phố, nhất là trong bối cảnh bị ảnh hưởng, tác động của đại dịch Covid-19.

Đà Nẵng cần tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện có phát triển theo hướng ngày càng mở rộng và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, chú trọng đối tượng người có công, đối tượng yếu thế.

Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, Lương Nguyễn Minh Triết

Thành phố phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội; tăng cường huy động nguồn lực xã hội thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chính sách xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Về mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các chính sách xã hội giai đoạn 2021-2030, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, trên cơ sở kế thừa, phát huy kết quả thực hiện chính sách xã hội thời gian qua, Đà Nẵng cần tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện có phát triển theo hướng ngày càng mở rộng và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, chú trọng đối tượng người có công, đối tượng yếu thế.

Trong quá trình phát triển, Đà Nẵng sẽ đối mặt với những vấn đề xã hội phát sinh mới do những bất ổn của kinh tế thế giới, thiên tai, dịch bệnh, gia tăng dân số, toàn cầu hóa, thách thức của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Chủ trương nhất quán của Đà Nẵng là đồng thời với phát triển kinh tế, luôn quan tâm chú trọng thực hiện các chính sách xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm không bỏ ai lại phía sau; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần hiện thực mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, là thành phố đáng sống như định hướng tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra. Đây là cả một quá trình liên tục, lâu dài với nhiều vấn đề phức tạp, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi phải có nỗ lực, quyết tâm cao hơn.