Đà Nẵng nâng cao hiệu quả công tác giám định, định giá tài sản

NDO - Chiều 20/10, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố Đà Nẵng tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Giải pháp nâng cao công tác chỉ đạo trong việc giám định, định giá tài sản để phục vụ xử lý các vụ án, vụ việc”.
0:00 / 0:00
0:00
Tọa đàm về “Giải pháp nâng cao công tác chỉ đạo trong việc giám định, định giá tài sản để phục vụ xử lý các vụ án, vụ việc”.
Tọa đàm về “Giải pháp nâng cao công tác chỉ đạo trong việc giám định, định giá tài sản để phục vụ xử lý các vụ án, vụ việc”.

Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp chủ trì buổi tọa đàm.

Trong những năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố thường xuyên quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc; chỉ đạo giải pháp cụ thể như hỗ trợ kinh phí, tập trung nguồn lực để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ án, vụ việc, đặc biệt là trong công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

Qua đó, các vụ án, vụ việc cơ bản được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã có Báo cáo số 160-BC/TU ngày 30/12/2021 về khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định vụ việc, định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố và Báo cáo số 190-BC/TU, ngày 15/4/2022 về kết quả thực hiện công tác giám định, định giá tài sản gửi Ban Nội chính Trung ương xin ý kiến chỉ đạo xử lý khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ án, vụ việc của thành phố Đà Nẵng.

Đại biểu dự tọa đàm đã trao đổi, thảo luận về những kết quả cải cách tư pháp ở Đà Nẵng trong 10 năm qua, nhất là kết quả công tác giám định và định giá tài sản trong tố tụng hình sự giai đoạn 2011-2021.

Đối với các yêu cầu định giá, thành phố đều có quyết định thành lập hội đồng, phân công thành viên và đã ban hành kết luận 44 trường hợp, trong đó ban hành kết luận đúng thời hạn: 43; quá hạn luật định: 1 trường hợp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Các trường hợp còn lại chưa ban hành kết luận và quá hạn là 17 trường hợp với lý do là tài sản phức tạp, chi phí lớn. Số trường hợp quá thời hạn giải quyết là do lỗi của cơ quan định giá vì chi phí quá lớn. Không có trường hợp yêu cầu định giá lại hoặc yêu cầu thay đổi thành viên Hội đồng Định giá.

Liên ngành các cơ quan tư pháp địa phương đã quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong việc phân tích, đánh giá chứng cứ là các kết luận giám định, định giá tài sản, bảo đảm tính đúng đắn trong từng vụ án. Vì vậy, trong thời gian qua, có rất ít khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động này.

Cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, bảo đảm đúng quy định, giúp cho việc giải quyết các vụ án, vụ việc có căn cứ, đúng pháp luật. Không có trường hợp nào ra các quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá mà không cần thiết.

Đại biểu dự tọa đàm cũng phân tích, chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc giám định, định giá tài sản để phục vụ xử lý các vụ án, vụ việc.

Cụ thể như quy định về trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, tài sản yêu cầu định giá có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, tài sản cần định giá do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không cung cấp được các hợp đồng mua bán, hóa đơn chứng từ liên quan đến tài sản, tài sản bị mất, thất lạc; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ và không có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng. Một số quy định của Bộ luật Hình sự chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến khó khăn trong giải quyết các vụ án lớn.

Để hoạt động giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay, các ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm kiến nghị Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố, Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan liên quan tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; tiếp tục quán triệt, thực hiện các văn bản của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy Đà Nẵng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến công tác giám định, định giá tài sản.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ công tác của các ngành và nhiệm vụ chính trị địa phương, nhất là trong công tác giám định, định giá tài sản, bảo đảm kết quả giám định, định giá chính xác, đúng quy định của pháp luật, phục vụ tốt hoạt động tố tụng.

Việc trưng cầu giám định, định giá tài sản cần phải được thực hiện khi thực sự cần thiết, xác định đúng địa chỉ trưng cầu, yêu cầu, thời gian phù hợp, cung cấp đầy đủ hồ sơ để phục vụ cho công tác giám định, định giá tài sản.

Các cơ quan giám định, giám định viên phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về công tác giám định (cả về tư cách giám định lẫn phương pháp giám định).

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tội phạm tham nhũng, kinh tế. Đặc biệt là công tác phối hợp giữa liên ngành Trung ương và liên ngành địa phương để đẩy nhanh công tác giải quyết các vụ án.