Nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, đấu giá tài sản thi hành án

Thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án là một chế định khá đặc thù trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS), không do cơ quan THADS trực tiếp thực hiện mà do các doanh nghiệp thẩm định giá, bán đấu giá thực hiện độc lập trên cơ sở Luật Giá năm 2012 và Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Đây là một khâu quan trọng, ảnh hưởng toàn bộ quá trình thi hành một bản án.

Cán bộ thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên phối hợp đơn vị chức năng kiểm tra thực tế vụ việc tại địa phương.
Cán bộ thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên phối hợp đơn vị chức năng kiểm tra thực tế vụ việc tại địa phương.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Thái Nguyên và Tổng cục THADS Bộ Tư pháp đã phối hợp tổ chức Hội nghị thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án. Theo báo cáo, nhìn chung các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm túc các quy định về định giá, đấu giá tài sản thi hành án. Cụ thể, năm 2020, đã đưa ra thực hiện thẩm định giá 13 việc với số tiền thẩm định gần 38 tỷ đồng. Đã đấu giá thành là 26 việc với số tiền hơn 57 tỷ đồng và giao tài sản cho người trúng đấu giá 16 việc tương ứng số tiền gần 19 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2021, đã đưa ra thẩm định giá 18 việc với số tiền gần 35 tỷ đồng. Đã đấu giá thành 12 việc với số tiền gần 33 tỷ đồng và giao tài sản cho người trúng đấu giá sáu việc tương ứng số tiền gần năm tỷ đồng. Báo cáo cũng cho thấy, hầu hết các việc với giá trị lớn được đấu giá thành trong ba lần đầu. Tuy nhiên, cũng còn nhiều việc đấu giá còn kéo dài. Điển hình như vụ Nguyễn Văn Huy (Chi cục THADS TP Thái Nguyên) bán đến lần thứ 10; vụ Phạm Thị Thìn (Chi cục THADS thị xã Phổ Yên) bán đến lần thứ 10; vụ Triệu Sinh Hiện bán đến 13 lần vẫn không có người mua (Chi cục THADS huyện Võ Nhai).
 
 Thực tiễn cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá, đấu giá tài sản thi hành án đã được chỉ ra như tình trạng chống đối, gây khó khăn cho tổ chức thẩm định tiếp cận, đánh giá tài sản kê biên; đương sự khiếu nại, tố cáo việc thẩm định giá để tìm cách kéo dài thời gian; hiện tượng một số tổ chức tín dụng yêu cầu định giá lại vì cho rằng kết quả thẩm định thấp hơn nhiều lần kết quả định giá trước khi cho vay khá phổ biến. Một số vụ việc định giá quá cao so với thực tiễn kinh tế, xã hội của địa phương; tâm lý e ngại rủi ro trong mua bán tài sản kê biên còn lớn; hầu hết các chấp hành viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ thẩm định giá, đấu giá tài sản. Thậm chí, có trường hợp khoán trắng cho tổ chức thẩm định, đấu giá tài sản. Vẫn có trường hợp chấp hành viên xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản còn sơ sài, thiếu chặt chẽ dẫn đến kê biên tài sản không đúng thực tế hoặc không làm rõ những vướng mắc liên quan đến tài sản trước khi làm thủ tục thẩm định giá, đấu giá. Hiện tượng thông đồng, dìm giá, thao túng nhằm trục lợi trong thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án được đánh giá vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn lớn, cần có sự phòng ngừa và cảnh báo kịp thời.
 
 Bên cạnh đó, số tài sản trúng đấu giá nhưng chưa giao được tài sản cũng còn khá nhiều (bảy việc với số tiền hơn 10 tỷ đồng) do nhiều lý do như phải xử lý mở lối vào tài sản cho người mua (như vụ Trương Thế Dũng - Chi cục THADS TP Sông Công), chưa nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp (vụ Ngô Văn Tân - Chi cục THADS huyện Đại Từ); hay các lý do khác như tổ chức tín dụng xin nhận tài sản trừ vào số tiền được thi hành án (vụ Đoàn Văn Trữ - Chi cục THADS TP Thái Nguyên). Nhiều đại biểu của các cơ quan thi hành án địa phương phản ánh, trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quan điểm, nhận thức coi các nghề tư pháp như các nghề kinh doanh thông thường nên có xu hướng “tự do hóa” theo mô hình doanh nghiệp đối với các nghề như thẩm định giá, đấu giá tài sản...
 
 Theo TS Nguyễn Xuân Tùng, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thái Nguyên, tài sản đấu giá trong thi hành án là một tài sản đặc thù để bảo đảm thực thi công lý. Vì vậy, trước yêu cầu bảo vệ công lý của nền tư pháp, Bộ Tư pháp cần khẩn trương hoàn thiện các chính sách pháp luật về thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án một cách chặt chẽ, phù hợp và hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, các cơ quan THADS tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các vụ việc thẩm định, đấu giá tài sản, bảo đảm theo đúng trình tự, thời gian luật định; hướng dẫn đương sự lựa chọn hoặc lựa chọn các tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản có uy tín thực hiện việc thẩm định, đấu giá, bảo đảm việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá được thực hiện chuyên nghiệp, công khai, minh bạch. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 25-9-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, năm 2021, lần đầu tiên, Cục THADS tỉnh phối hợp Sở Tài chính và Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra liên ngành các vụ việc thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án trên địa bàn.