Cùng dự có đại diện lãnh đạo sở, ngành, cơ sở giáo dục đại học trong nước, đại diện các đơn vị phối hợp trong triển khai Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn của thành phố, cùng đông đảo đội ngũ giảng viên, sinh viên VKU.
Buổi lễ cũng đã diễn ra sự kiện khai giảng khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn năm 2024 cho sinh viên và giảng viên nguồn của thành phố, đồng thời Khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH) của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Đại học Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hồ Kỳ Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện nay có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động, trong đó có khoảng 6 doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn với 550 kỹ sư vi mạch bán dẫn; cho rằng con số trên là còn khá khiêm tốn so với nhu cầu về nhân lực chip bán dẫn được các cơ quan Trung ương và chuyên gia dự đoán trong thời gian tới.
Đồng chí Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phát biểu tại buổi lễ. |
Để chủ động phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn, thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trong đó có ưu tiên tăng cường hợp tác quốc tế với các công ty, tổ chức uy tín trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để sớm tiếp cận nguồn lực và thông tin nhu cầu về nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn; công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) với vai trò là cơ quan liên kết, hợp tác với các trường đại học trong tổ chức triển khai chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của thành phố.
Xác định cách tiếp cận ngành công nghiệp bán dẫn dựa trên phát triển nguồn nhân lực làm trọng tâm, để thành phố Đà Nẵng triển khai tốt các nội dung về phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn, đồng chí Hồ Kỳ Minh nêu rõ bên cạnh cơ sở vật chất, hệ thống chính sách hỗ trợ thì sự chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ giảng viên có chất lượng để đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn có vai trò vô cùng quan trọng; đồng thời nhấn mạnh, lễ Khởi động chương trình đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng hôm nay có thể xem là một dấu mốc cụ thể, bước đi quan trọng trong chiến lược đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch, bán dẫn của thành phố.
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng cùng đoàn tham quan, trao đổi về Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU - SSTH). |
Tại buổi lễ, PGS, TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn bày tỏ vinh dự được phối hợp với Viện Công nghệ Thông tin (ĐHQG Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và Công ty Synopsys Việt Nam tổ chức khai giảng các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho giảng viên nguồn của thành phố và khóa đào tạo ngắn hạn cho sinh viên năm 2024.
Theo đó, khoá bồi dưỡng giảng viên nguồn thiết kế vi mạch đầu tiên của thành phố này có 24 giảng viên đến từ 3 trường đại học thuộc Đại học Đà Nẵng là: Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt–Hàn; Đại học FPT, Đại học Đông Á và Trường cao đẳng Nghề Đà Nẵng.
Các lớp này sẽ triển khai đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian 6 tháng, trong đó sẽ có 3 tháng (171 giờ) học lý thuyết và 3 tháng học theo dự án. “Đặc biệt, học viên các khóa này sẽ được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của Synopsys. Khi hoàn thành chương trình, các giảng viên nguồn có thể xây dựng giáo trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn để sẵn sàng triển khai đào tạo tại các trường đại học tại Đà Nẵng”, PGS, TS Huỳnh Công Pháp cho biết.
Đồng chí Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, trên cơ sở kết quả đào tạo cơ bản khóa I này, thành phố sẽ tiếp tục lựa chọn 10 giảng viên để cử tham gia đào tạo khóa nâng cao tiếp theo trong và ngoài nước.
Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn
Ngay sau buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Quảng đã cùng đoàn công tác tham quan Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH) của Trường đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt–Hàn.