Đà Nẵng: Gom ve chai nấu cơm 0 đồng

NDO - Gần 2 năm nay, các chị em thuộc Chi hội phụ nữ 15 (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) vẫn duy trì mô hình phần ăn trưa miễn phí vào thứ ba hằng tuần nhằm chia sẻ đến người dân có hoàn cảnh khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Phân loại rác tái chế để bán gây quỹ.
Phân loại rác tái chế để bán gây quỹ.

Năm 2020, chị Phan Thị Xuân An (Chi hội trưởng, Chi hội phụ nữ 15) đã cùng với các chị em trong chi hội quyết định thực hiện mô hình “Bữa sáng 0 đồng”.

Kinh phí hoàn toàn từ các hội viên góp với nhau và thực hiện phát cho người dân gặp khó khăn trong khu dân cư.

Tuy những suất sáng không nhiều, nhưng hoạt động vẫn luôn được duy trì đều đặn trong năm.

Dần dần, hoạt động của chi hội nhận được sự hỗ trợ nhiều từ các mạnh thường quân nên các chị quyết định làm nhiều suất hơn, chuyển qua thành bữa trưa và giúp đỡ cho bất cứ ai gặp khó khăn. Từ đó, “Phần ăn miễn phí” được trao đều đặn vào trưa thứ ba hằng tuần.

Đà Nẵng: Gom ve chai nấu cơm 0 đồng ảnh 1
Cùng nhau chuẩn bị các suất cơm.

Tuy nhiên, nhận thấy cần có hoạt động để duy trì kinh phí cho mô hình của mình, không thể dựa lâu dài vào sự hỗ trợ của mạnh thường quân, nên các chị đã lên ý tưởng thu gom vỏ chai phế liệu để bán.

Khi tuyên truyền đến các hộ gia đình trong khu phố, chi hội đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, sẵn sàng thực hiện phân loại rác tại nhà để tham gia hỗ trợ mô hình.

Mỗi cuối tuần, các vỏ lon, chai nhựa, rác tái chế, bìa các-tông… của các hộ gia đình trong khu phố 15 sẽ được tập trung tại một hộ để phân loại và bán lấy quỹ.

Số tiền thu được trung bình mỗi tháng từ 6 đến 8 triệu đồng, cùng với một phần của các cá nhân hỗ trợ đã góp phần tạo nguồn quỹ ổn định.

Đều đặn mỗi sáng thứ ba, các chị em lại có mặt trong ngôi nhà trên đường Nguyễn Công Hoan để cùng nhau đi chợ mua thực phẩm, nhặt rau, làm thịt cá và chế biến món ăn.

Hoạt động cũng nhận được sự tình nguyện tham gia của các bạn trẻ, sinh viên sống trong khu dân cư.

Trần Văn Huy, sinh viên năm 2, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đọc thấy hoạt động của các chị, lại thuê trọ gần đó nên em và các bạn đã đến làm cùng. Tại đây, Huy phụ trách nấu nướng.

“Nấu ăn và trò chuyện cùng mọi người khiến em giải tỏa được căng thẳng trong học tập rất nhiều và đỡ nhớ nhà, nên đã là thói quen hằng tuần của em. Không chỉ vậy, làm việc cùng các cô, chia sẻ đến với người khó khăn giúp cho bản thân thấy có ích hơn”, Huy chia sẻ.

Đà Nẵng: Gom ve chai nấu cơm 0 đồng ảnh 2
Trao cơm 0 đồng cho người lao động nghèo.

Mỗi phần cơm đến tay người nhận đều có đủ rau củ, thịt cá và luôn được đổi mới liên tục, ngày rằm hay đầu tháng bếp cũng chuẩn bị cả những phần cơm chay.

Mỗi phần cơm đều được đính kèm một chai nước uống. Ngay cả quy trình nấu nướng, chuẩn bị thức ăn kèm cũng được các chị chú trọng “làm tới đâu, sạch tới đó” nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không qua loa.

Bà Nguyễn Thị Me (76 tuổi) là một “khách hàng” thân thiết vẫn đều đặn mỗi tuần ghé đến nhận một suất cơm. Bà Me tâm sự: “Một ngày bà đi nhặt ve chai được vài chục nghìn đồng, mà tiền phòng trọ, tiền gas, thuốc thang bao nhiêu thứ phải lo, nên có những phần cơm như này bà quý lắm, đỡ được phần nào cho bà”.

Mỗi tuần, mô hình nấu hơn 100 suất cơm để trao cho các hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, hoạt động thu gom rác hằng tuần cũng nhận được sự hưởng ứng của các hội viên phụ nữ trong phường Hòa An, nhằm góp phần duy trì nguồn quỹ.

“Chúng tôi vẫn sẽ cố gắng tiếp tục duy trì thực hiện mô hình cơm 0 đồng của Chi hội, tuy không phải là mô hình mới, nhưng phù hợp với điều kiện của các chị em và nhu cầu của người lao động nghèo. Qua đó, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái đến với mọi người”, chị Phan Thị Xuân An, Chi hội trưởng, Chi hội phụ nữ 15 cho biết.