Ngay khi triển khai cuộc thi, ban tổ chức đã nhận được những ý tưởng của nhóm bạn trẻ từ cả nước gửi về. Qua các đợt tập huấn đầu tiên, các nhóm được cung cấp thông tin liên quan đến năng lượng, năng lượng tái tạo và các kỹ năng thực hiện từ ý tưởng đến đề xuất.
Từ đó, các bạn trẻ tiếp tục phát triển ý tưởng của mình dưới dạng đề xuất. Năm 2023, Ban tổ chức đã nhận được 104 sáng kiến đã được gửi về dưới dạng các bản đề xuất.
Từ đó, Ban giám khảo đã làm việc để chọn ra 30 đề xuất tham gia tập huấn nâng cao nhằm giúp các nhóm tác giả điều chỉnh sáng kiến.
Sau hai ngày tập huấn tại Đà Nẵng, các em được cố vấn để sửa và hoàn thiện hơn và 15 dự án tốt nhất sẽ được chọn tham gia Vòng chung kết. Mỗi đội có 15-17 phút để trình bày dự án của mình cũng như trả lời câu hỏi của Ban giám khảo.
10 dự án thuyết phục nhất đã được chọn, trong đó có nhiều ý tưởng thực tế như: Máy lọc nước bằng năng lượng tái tạo tại nông thôn; Hành trình chuyến xe chuyển dịch năng lượng bền vững dọc dãy trường sơn cùng bà con dân tộc thiểu số ở Huế và Quảng Nam; Đưa sách về làng; Chiến dịch truyền thông những “siêu nhân” nhí tiết kiệm năng lượng; Trại sáng tác cho tác giả và họa sĩ minh họa thiếu nhi về đề tài chuyển dịch năng lượng và sinh thái…
Các dự án vào top 10 được nhận gói giải thưởng bao gồm hỗ trợ tài chính (tổng trị giá 500 triệu đồng) và chuyên môn để triển khai hoạt động trong vòng 6 tháng.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xây dựng Năng lực Thích ứng cho biết: “Với kinh phí hỗ trợ này, tuy không lớn, nhưng cũng giúp cho các nhóm thực hiện được dự án của mình. Qua làm việc, chúng tôi rất ấn tượng với những nhóm bạn trẻ tham gia, có em chỉ đang học trung học phổ thông nhưng đã rất tự tin. Mặc dù những dự án các em đưa ra có thể nhỏ, nhưng đây là những khởi đầu để các em tự tin và phát triển thêm ý tưởng lớn hơn”.
Cuộc thi nằm trong chương trình Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) của Cộng hòa Liên bang Đức hỗ trợ. Đây cũng là một sự kiện quan trọng, tạo cơ hội cho thanh niên quan tâm đến năng lượng bền vững và nâng cao năng lực địa phương để giải quyết các vấn đề địa phương.