Tạo điều kiện phát triển năng lượng bền vững

Có đủ các yếu tố phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất cả nước, nhưng Bình Thuận đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Điện lực Phú Quý (huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận).
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Điện lực Phú Quý (huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận).

Còn nhiều bất cập

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận Võ Văn Hòa cho biết, giai đoạn 2016-2021, việc phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là phát triển năng lượng điện. Theo đó, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển các nhà máy điện gồm: nhà máy thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió để cung cấp năng lượng điện phát triển kinh tế - xã hội và có khả năng khai thác để trở thành trung tâm năng lượng của vùng và của quốc gia.

Trước năm 2016, Bình Thuận chỉ có 8 nhà máy điện hoạt động phát điện, với tổng công suất các nguồn điện 2.093 MW, tổng sản lượng điện thiết kế khoảng hơn 10 tỷ kWh/năm. Đến nay, tỉnh đã có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất các nguồn điện 6.523,21 MW, tổng sản lượng điện thiết kế khoảng 31 tỷ kWh/năm, tăng hơn 3 lần so trước 2016. Trong giai đoạn này, nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh đã tăng dần tỷ trọng trong tổng công suất nguồn điện toàn tỉnh (tăng từ 1,72% lên 21,62%); bên cạnh đó, nguồn điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) chiếm tỷ lệ cao trong tổng công suất nguồn điện và là nguồn điện chạy nền, đáp ứng cung cấp điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng cho biết, quá trình đầu tư và phát triển các dự án nguồn điện, đặc biệt là nguồn điện năng lượng tái tạo vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Cụ thể, việc chưa kịp thời ban hành chính sách phù hợp về giá điện mặt trời, điện gió (giá FIT) sau khi giá điện mặt trời, điện gió hết hiệu lực dẫn đến việc thu hút phát triển điện mặt trời, điện gió gặp khó khăn, thời gian kéo dài. Việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm, làm ảnh hưởng đến cơ hội cũng như việc thực hiện trình tự, thủ tục trong công tác đầu tư.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cũng cho biết, chính sách pháp luật về phát triển năng lượng liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, như quản lý về đất đai, quy hoạch, xây dựng, phát triển nông nghiệp... dẫn đến nhiều khó khăn trong thực hiện pháp luật của người dân, doanh nghiệp. Một số chính sách chưa được ban hành liên tục và chậm thay thế dẫn đến các khoảng trống pháp lý gây khó khăn cho địa phương và nhà đầu tư. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai đầu tư các dự án nguồn và lưới điện còn nhiều khó khăn như một số hộ dân chưa thống nhất về đơn giá bồi thường, yêu cầu đơn giá bồi thường cao hơn đơn giá theo quy định nhà nước... dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng tiến độ thi công dự án.

Tích cực, chủ động phối hợp để điều chỉnh

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng đoàn Thường trực giám sát Lê Quang Huy cho biết, T.Ư đã có chủ trương xây dựng tỉnh Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng lớn của quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần nghiên cứu, điều chỉnh để bảo đảm phát triển năng lượng bền vững như sự chồng lấn dự án năng lượng tái tạo với các khu vực quy hoạch dự trữ, thăm dò, khai thác titan; vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển năng lượng như khói, bụi, tấm quang năng hết hạn sử dụng, bảo vệ đa dạng sinh học…

Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, để giảm phát sinh bụi trong quá trình hoạt động sản xuất, ngăn ngừa phát tán ra môi trường, EVN và các đơn vị đã nghiên cứu, triển khai bổ sung nhiều biện pháp như: che chắn băng tải than, tháp chuyển tiếp than; phun sương dập bụi; triển khai giải pháp vận hành cấp than, đánh phá đống than linh hoạt, thích ứng từng điều kiện thời tiết; thực hiện giải pháp giảm bụi từ khu vực silo và vận chuyển tro xỉ… Song, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ tro, xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Tỷ lệ tiêu thụ tro xỉ dù đã tăng dần theo từng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tới nay, lượng tro xỉ đã đạt khoảng 90% năng lực lưu trữ của bãi chứa.

Về vấn đề này, ông Lê Quang Huy nêu rõ, địa phương cũng cần nắm bắt tình hình, tích cực chủ động phối hợp các cơ quan liên quan để nghiên cứu, ra phương án điều chỉnh quy hoạch, bảo vệ môi trường, bố trí các dự án di dân tái định cư, sinh kế bền vững cho người dân khu vực di dời. Tập trung theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án, công trình điện. Bên cạnh đó, cần chú trọng và chủ động về việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, để đưa Bình Thuận trở thành một trung tâm năng lượng lớn của cả nước.