Hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng Việt Nam bền vững

NDO - Ngày 6/3, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, cho biết, giai đoạn 2016-2021, ngành năng lượng đã bám sát chủ trương, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước và có bước phát triển nhanh chóng tương đối đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Những kết quả đạt được của ngành năng lượng trong giai đoạn 2016-2021 là tiền đề quan trọng để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, ngành năng lượng còn một số tồn tại, như: các nguồn cung năng lượng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu; việc nhập khẩu năng lượng trong nước ngày càng lớn; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực của ngành năng lượng còn chậm chưa được nâng cao…

Hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng Việt Nam bền vững ảnh 1

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, phát biểu tại Hội thảo.

Do đó, ông Lê Quang Huy đề nghị các chuyên gia, đại biểu tập trung thảo luận nội dung thực trạng, thực thi hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng trong thời gian qua và đề xuất giải pháp cụ thể. Từ đó, Đoàn giám sát có thể cơ sở thực tiễn để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội những đề xuất kiến nghị giúp tháo gỡ giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trước mắt, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách về phát triển năng lượng để hướng tới đến mục tiêu dài hạn hơn bảo đảm chuyển dịch năng lượng công bằng, an ninh năng lượng quốc gia.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Phan Xuân Dũng cho biết, để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch. Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) là Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu đạt trung hòa carbon (Net-zero) vào năm 2050.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Đảng, Nhà nước, các cơ quan có liên quan và doanh nghiệp nước ta cũng phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức trong việc bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.

“Với những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những tư liệu quý báu để kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng Việt Nam bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội đất nước”, Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Đánh giá thực trạng việc thực thi chính sách, pháp luật trong thực hiện quy hoạch phát triển năng lượng ở Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, trước hết về tính pháp lý của quy hoạch năng lượng chưa cao. Quy hoạch được phê duyệt bởi một Quyết định của Thủ tướng, đúng ra phải có tính pháp lệnh, các thành phần trong quy hoạch phải được nghiêm túc thực hiện. Quan hệ liên ngành giữa các quy hoạch phát triển ngành còn chưa thể hiện rõ, chưa có sự ràng buộc lẫn nhau, chưa thể hiện rõ quy hoạch phát triển của ngành này chịu ảnh hưởng hoặc chịu tác động của ngành kia và ngược lại.

Thời hạn 10 năm của Quy hoạch là ngắn, vì thời gian triển khai nhiều công trình có thể rất dài. Các Dự án năng lượng (như: nhiệt điện than, khí, thủy điện) đều là các Dự án lớn (trừ các Dự án Điện tái tạo ít kinh phí thực hiện hơn), hầu hết sử dụng vốn vay của nước ngoài, hoặc gọi vốn nước ngoài (BOT).

Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Trương Duy Nghĩa đề xuất, trong quy hoạch cần khẳng định thời điểm khởi công và thời điểm hoàn thành công trình đưa vào sản xuất. Trong phạm vi quy hoạch 10 năm và trong giai đoạn tầm nhìn có sự gối đầu khi thực hiện nhiều công trình, vì thế nên ở giai đoạn tầm nhìn cũng cần có những quy hoạch cụ thể, tránh sự thay đổi quá nhiều và chủ quan. Hơn nữa, cần có biện pháp đẩy mạnh huy động vốn trong nước để thực hiện các Dự án Năng lượng, tránh phải chịu những điều kiện ngặt nghèo khi vay hay gọi vốn của nước ngoài.

Cùng quan điểm trên, Giáo sư Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam kiến nghị, Quy hoạch điện VIII cần sớm được phê duyệt nếu chậm sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng công nghệ và tài chính. Các yếu tố về chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch cần được xem xét trong quy hoạch điện VIII. Theo đó, đến 2035 phát thải từ ngành điện đạt đỉnh 239 triệu tấn CO2 đến năm 2050 còn khoảng 30 triệu tấn là phù hợp chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Đồng thời, các biện pháp điều hành cần được điều chỉnh phù hợp với biến động về nhu cầu, tiến độ xây dựng nguồn và các công trình điện, giá cả các nguồn năng lượng… tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho phát triển điện mặt trời, sớm có quy định rõ ràng về điều kiện kỹ thuật, tiêu chuẩn kết nối với lưới điện, phòng chống cháy nổ.