Tối 23/6, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết, trận mưa lớn hơn 1 giờ trên địa bàn thành phố Đà Lạt làm sạt lở tại 3 vị trí.
Cụ thể, tại khu vực đường Phan Bội Châu, phường 1, thành phố Đà Lạt, xuất hiện điểm có nguy cơ sạt lở và Ủy ban nhân dân phường 1 đã tổ chức di dời 2 hộ dân đến nơi an toàn.
Tại khu vực suối Cát, Xuân An, phường 3, cũng có hiện tượng sụt lún tại bờ ta-luy cao khoảng 12m. Ủy ban nhân dân phường 3 đã tiến hành khoanh vùng và tổ chức di dời khẩn cấp 3 hộ dân trong khu vực đến nơi an toàn.
Điểm sạt lở nguy hiểm tại khu vực suối Cát, Xuân An, phường 3, TP Đà Lạt. |
Tại đường Phạm Hồng Thái, phường 10, gia đình bà Lê Thị Hoa xuất hiện sạt lở bờ ta-luy dài khoảng 9m, sau đó, Ủy ban nhân dân phường di dời tài sản và người dân ra khỏi khu vực sinh sống để khắc phục sự cố sạt lở.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng đánh giá sơ bộ, do mưa cường độ lớn và tập trung chỉ trong vòng 1 giờ làm nước tập trung nhanh về các khu vực trũng thấp dẫn đến nước không kịp tiêu thoát, gây ngập cục bộ và nước đã rút sau khoảng 1 giờ khi mưa tạnh.
Khu vực ven suối tại khu quy hoạch Yersin, TP Đà Lạt, bị ngập sau trận mưa lớn. |
Như Báo Nhân Dân đã thông tin, trận mưa lớn chiều 23/6, khiến một số tuyến đường, khu vực dân cư tại thành phố Đà Lạt bị ngập cục bộ; nhiều cây xanh gãy đổ.
Xử lý hiện trường cây xanh ngã đổ sau trận mưa lớn chiều 23/6 tại Đà Lạt. |
Trước tình hình mưa và ngập cục bộ, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt yêu cầu các phường triển khai ngay các lực lượng ứng phó. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo đơn vị liên quan, cử lực lượng xử lý nhanh đối với những khu vực ngập úng, sạt lở, các cây xanh bị đổ để bảo đảm an toàn khu dân cư và an toàn giao thông.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lớn. |
Hiện các địa phương vẫn đang khẩn trương tiến hành thống kê thiệt hại do trận mưa lớn gây ra.
Chiều 23/6, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng có Công điện hỏa tốc về việc tập trung, chủ động ứng phó để hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai với phương châm chủ động phòng ngừa, kịp thời, quyết liệt ứng phó, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân; tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt trượt, ngập lụt, lũ quét... có thể xảy ra khi mưa lớn ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn khu dân cư; có biện pháp cảnh báo cho người dân và chủ động xây dựng phương án sơ tán, di dời, cứu hộ cứu nạn và bảo đảm an toàn khi có thiên tai xảy ra.