Chiều 16/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau chủ trì cuộc họp, thông tin với báo chí về “Ngày hội Cua Cà Mau - Lần thứ nhất năm 2022”. Đây là sự kiện chính cuối cùng nằm trong chuỗi sự kiện “Cà Mau - Điểm đến năm 2022”, và cũng là lần đầu tiên Cà Mau tổ chức lễ hội chuyên về con cua, góp phần quảng bá, tôn vinh, nâng tầm sản vật địa phương đến đông đảo du khách.
Sự kiện diễn ra từ ngày 23 đến 31/12 tới đây, tại TP Cà Mau, với chủ đề “Cua Cà Mau – Điểm hẹn văn hóa ẩm thực”, kết hợp với dịp đón mừng Xuân về, Tết đến. Trong thời gian trên sẽ diễn ra mười hoạt động chính, như: Hội chợ Thương mại tổng hợp với khoảng 500 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP; hoạt động thể thao, trò chơi dân gian; lễ hội đường phố; liên hoan Đờn ca tài tử 3 tỉnh Cà Mau-Bạc Liêu-Sóc Trăng; hoạt động kết nối du lịch, trải nghiệm; Hội thi ẩm thực, xác lập kỷ lục các món ăn chế biến từ cua kết hợp nhận Bằng Kỷ lục châu Á “Lẩu mắm U Minh”…
Chủ trì và phát biểu tại buổi họp báo, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh: “Qua sự kiện Ngày hội Cua Cà Mau lần này, chúng tôi mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quảng bá hình ảnh, chất lượng, thương hiệu Cua Cà Mau đến khách thập phương, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người Cà Mau thân thiện và mến khách đến du khách gần xa, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói…”.
Giải đáp một số thắc mắc của báo chí đặt ra tại buổi họp báo quanh chủ đề hội thi liên quan đến con cua, ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cà Mau, cho biết: Đến ngày 16/12 vừa qua, Ban tổ chức đã tiếp nhận 14 đội đăng ký tham gia với hơn 80 món ăn chế biến từ cua; Cuộc thi Cua lớn nhất có 40 cá nhân và đơn vị tham dự và bước đầu đã có một số con cua to, nặng đến hơn 1,5kg ở miệt rừng ngập mặn Cà Mau.
Riêng trò chơi dân gian “Đua tốc độ Cua” và “Trói Cua trình diễn”, theo lời ông Tiên thì đây cũng là lần đầu tiên Cà Mau tổ chức, và qua tham khảo nhiều kênh khác nhau thì đến nay chưa có địa phương nào trong cả nước chính thức tổ chức trò chơi dân gian “Đua tốc độ Cua”, cũng như thi “Trói Cua trình diễn”. Do vậy, trò chơi nêu trên sẽ gây tò mò cho không ít du khách khi đến Cà Mau vào dịp sự kiện diễn ra.
Cua Cà Mau trước khi xuất bán được kiểm tra kỹ lưỡng, có tem truy xuất nguồn gốc |
Cà Mau có khoảng 300.000ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 250.000ha nuôi cua, tập trung chủ yếu ở các vùng ngập mặn trong tỉnh. Sau con tôm sú thì cua là sản vật thứ hai tại Cà Mau được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Trước khi xuất bán ra thị trường, Cua Cà Mau được trói dây nhỏ gọn, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng… Để sự kiện diễn ra thành công như mong đợi, bên cạnh khâu chuẩn bị, tổ chức…, thì gần đây, ngành chức năng tỉnh đã siết chặt hơn hoạt động vận chuyển, kinh doanh cua tại địa phương, kiên quyết không để cua ngoài tỉnh lưu hành về Cà Mau, phương hại thương hiệu Cua Cà Mau.
Ngoài kiểm soát chặt nguồn gốc, xuất xứ, lực lượng chức năng địa phương huy động các đầu mối từ 200-300 tấn cua để cung cấp, phục vụ du khách trong dịp sự kiện diễn ra. Giá bán cua được niêm yết công khai, tuyệt đối không để tình trạng chặt chém khách diễn ra - ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, thông tin.