Giải mã nguyên nhân cua chết ở Cà Mau

NDO -

Ngay sau chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, cơ quan chức năng tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc và xác định được nguyên nhân cua nuôi ở một số vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn bị chết bất thường…

Cua chết cặp vào mé bờ vuông tôm của nông dân miệt rừng huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Cua chết cặp vào mé bờ vuông tôm của nông dân miệt rừng huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Ký sinh trùng gây hại cua

Những ngày gần đây, chính quyền và cơ quan chức năng liên tục nhận được phản ánh của người dân ở xã Tân Ân Tây, Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) về hiện tượng cua nuôi trong vuông nuôi tôm bị chết một cách bất thường.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản ở miệt rừng xã Tân Ân Tây, lão nông Bùi Lũy cho biết: Vào mùa khô hạn hằng năm, thỉnh thoảng cua cũng bị chết nhưng lần đầu tiên thấy cua chết nhiều như những ngày qua. “Không chỉ cua chết nổi cặp mé trong vuông nuôi tôm mà một số con còn sống, khi thu hoạch vào chờ thương lái đến cân cũng bị chết. Khi chết, cua có biểu hiện mềm vỏ, rất ít thịt…” - ông Lũy chia sẻ.

Giải mã nguyên nhân cua chết ở Cà Mau -0
 Lão nông Bùi Lũy cầm một con cua còn sống nhưng bắt lên vài giờ thì chết. 

Ngay khi tiếp nhận phản ánh của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân cua nuôi bị chết bất thường để có biện pháp khắc phục, giúp dân hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Trong bốn ngày liên tiếp kể từ ngày 17-3, các đơn vị chuyên môn của Sở NN-PTNT cùng Phân Viện nghiên cứu thủy sản nam Sông Hậu và các địa phương trong tỉnh đã tổ chức kiểm tra, nắm tình hình, thu mẫu bệnh phẩm để phân tích, xét nghiệm.

Tại miệt rừng ngập mặn huyện Ngọc Hiển, lực lượng chức năng ghi nhận có hiện tượng cua chết rải rác trong dân. Trong ao nuôi tôm, xác cua chết nổi trên mặt nước, màu sắc bị sậm, thân mình đen và đóng rong rêu. Với những con cua đã thu hoạch chờ bán, cua có biểu hiện sùi bọt mép, các cơ chân co giật, run run rồi chết.

Không chỉ Ngọc Hiển, hiện tượng cua chết rải rác trong dân còn được ghi nhận tại các địa phương, như: xã Hiệp Tùng, Lâm Hải, Hàm Rồng của huyện Năm Căn; xã Tân Thuận, Tân Đức, Ngọc Chánh của huyện Đầm Dơi; các ấp Xẻo Sâu, Gò Công Đông, Sào Lưới, Tân Quảng A, Cái Đôi Nhỏ B, Sào Lưới Tây của xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân).

Trực tiếp đi khảo sát và kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Văn Trung, Phó trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết: Ở các địa phương đi khảo sát, nhà nông cho biết cua chết rải rác cả vào thời điểm cận Tết Nguyên đán và khoảng hơn nửa tháng qua. “Cua chết có biểu hiện chung là vỏ mềm, thịt ốp và có ký sinh trùng bám. Một số cua sau khi bắt lên để vài giờ thì chết, cua bị ốp, ít thịt, ở yếm có màu đen hoặc hồng, khi tách mai cua, gạch màu trắng sữa bất bình thường” - ông Trung chia sẻ.

Ngày 23-3 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau nhận được kết quả xét nghiệm mẫu (mẫu cua chết, cua sống; mẫu nước, đất) trên địa xã Tân Ân Tây, Viên An Đông và xã Lâm Hải từ Phân Viện nghiên cứu thủy sản nam Sông Hậu. Kết quả mẫu môi trường nước, bùn cho thấy, các yếu tố, chất lượng môi trường nước phù hợp cho động vật thủy sản (cua) phát triển. Tuy nhiên, trong mẫu bùn xuất hiện mật độ vi khuẩn có khả năng gây bệnh cho cua nuôi. Còn với mẫu cua, tất cả các mẫu phân tích đều phát hiện ký sinh trùng (giáp xác chân tơ Sacculina sp) trên mang, gan, mô, buồng trứng.

Để giảm thiệt hại khi nuôi cua

Cua là một trong những vật nuôi thủy sản phổ biến trong các vuông tôm ở Cà Mau, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất canh tác. Tuy nhiên, tại một số hộ dân được khảo sát ở vùng tôm-rừng, nơi có cua chết rải rác, lực lượng chức năng ghi nhận, năng suất thủy sản giảm so với những năm trước, đặc biệt những hộ sau khai thác rừng từ 5 năm trở lên, rừng khép tán, cường độ chiếu sáng xuống mặt nước giảm, ảnh hưởng đến phát triển của động, thực vật phù du (chuỗi thức ăn tự nhiên của động vật thủy sản).

Quá trình khảo sát thực tế, đa phần các hộ dân nhận định, chất lượng nguồn nước giảm, dinh dưỡng trong đất không còn so với những năm trước khiến thời gian nuôi kéo dài. Cùng với đó là thời tiết thay đổi thất thường, nắng gay gắt, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm khá cao. Đây được xem là yếu tố bất lợi cho động vật thủy sản phát triển và là một trong những tác nhân có lợi cho các vi sinh vật, ký sinh trùng gây hại lên đối tượng thủy sản nuôi (tôm, cua).

Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận nhà nông còn canh tác theo phương thức truyền thống, chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, thả tôm giống liên tục (1-2 tháng thả một lần), xổ tôm và lấy nước định kỳ theo con nước (hai lần/tháng). Đây là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập vào nguồn nước phương hại lên vật nuôi, trong đó có cua.

Giải mã nguyên nhân cua chết ở Cà Mau -0
Cua biển được nuôi phổ biến trong vuông tôm ở Cà Mau và đã trở thành đặc sản.  

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại trong quá trình nuôi cua, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân trên địa bàn, thực hiện một số biện pháp phòng ngừa ký sinh trùng trong ao nuôi tôm, cua: Cải tạo vuông nuôi triệt để, đúng quy trình kỹ thuật.

Cụ thể, trước khi vào mùa vụ, thả giống, đặc biệt những vuông nuôi đã, đang có cua chết, nhà nông cần phơi đầm, sử dụng vôi để cải tạo, diệt khuẩn, nấm, ký sinh trùng, giáp xác nhỏ trong ao nuôi (liều dùng trên bao bì sản phẩm); Sử dụng nguồn nước đã được xử lý mầm bệnh để nuôi: Đối với vuông nuôi có diện tích lớn (tôm - rừng), cần chủ động bao ví bằng lưới mành khu ương nuôi, trước khi thả giống, sử dụng BKC, Iodine… để diệt mầm bệnh, sau đó sử dụng phân gây màu nước tạo thức ăn tự nhiên; Thả giống với mật độ vừa phải: Vùng nuôi quảng canh (tôm - rừng) sử dụng con giống được thuần dưỡng 2, 3 giai đoạn, khuyến cáo mật độ thả nuôi tôm từ 3-5 con/m2; cua nuôi mật độ từ 0,5-1 con/m2; Hạn chế các sinh vật trung gian (cua, còng, giáp xác…).

Song hành các biện pháp nêu trên, theo thạc sĩ Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Cà Mau, nhà nông vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh cũng có thể sử dụng một số nhóm thuốc, sản phẩm… để diệt ký sinh trùng, như: Praziquantel, thuốc trị sán; Mebendazole dẫn xuất Benzimidazol; CuSO4; Glutaldehyt; BKC; Iodine; các hợp chất chứa Chlorine.

Trên thị trường có nhiều nhóm sản phẩm chứa hợp chất, thành phần khác nhau. Để sử dụng các sản phẩm đúng theo quy định (trong thành phần thuốc không chứa các sản phẩm cấm), trước khi lựa chọn, người dân cần xem nhãn bao bì, hạn sử dụng, tem chống hàng giả và các quy định liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa; đồng thời khuyến cáo nhà nông hạn chế tối đa việc dùng thuốc để diệt mầm bệnh, diệt khử ký sinh trùng. Bởi, hiệu quả chỉ mang tính tức thời chứ không lâu dài, lại tốn kém. Trong điều kiện chưa kiểm soát được các yếu tố môi trường, việc dùng thuốc chỉ xử lý được mầm bệnh tại thời điểm sử dụng chứ không tác dụng tạo cho vật nuôi hệ miễn dịch để chống lại dịch bệnh ở những giai đoạn tiếp theo, cũng như chu kỳ lột xác liền kề.

Khi nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ Sacculina sp, chúng làm thay đổi nội tiết của vật chủ, ảnh hưởng đến khả năng lột vỏ, hoạt động, sinh sản, sinh trưởng chậm. Nếu cua, ghẹ nhiễm cao gây sự suy kiệt quần đàn dẫn đến cua có dấu hiệu bị rung chân - Thạc sĩ Nguyễn Công Quốc, Chi cục Thủy sản Cà Mau.

Kết quả khảo sát vừa qua chưa mang tính đại diện (chỉ thu ba mẫu cua bệnh/vùng nuôi), ký sinh trùng tìm thấy qua mẫu phân tích, hiện nay chưa được nghiên cứu cụ thể và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của đối tượng nuôi cũng như tìm ra giải pháp phòng trị bệnh. Vì thế, chúng tôi đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Nông nghiệp -Phát triển nông thôn (NN-PTNT), các viện nghiên cứu, Trường Đại học khẩn trương thực hiện nghiên cứu về tình hình cua chết hiện nay, nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh (để công bố dịch bệnh theo quy định nếu xét thấy cần thiết) và để có cơ sở khoa học cho việc đề xuất các biện pháp phòng ngừa, xử lý một cách hiệu quả - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau Châu Công Bằng cho biết.