Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng cường độ các hiện tượng thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán; gió Tây khô nóng xuất hiện sớm và kéo dài.
Với đặc trưng nhiệt độ trung bình cao, cùng với những đợt nắng nóng có thể lên đến trên 40 độ C, các hệ sinh thái khu vực đầm và rạn san hô ven biển tỉnh Bình Định nguy cơ bị suy giảm về mặt đa dạng sinh học.
Ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. |
Giai đoạn 2016-2021, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định đã ban hành các chương trình và văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu như: Giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, thu hồi năng lượng từ các chất thải từ các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình mang lại hiệu quả.
Bà Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết, việc xử lý rác thải, khí thải trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thiếu mô hình liên vùng xử lý rác thải.
Ông Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Khoa học Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. |
Cử tri tỉnh Bình Định rất lo lắng về việc xử lý pin năng lượng mặt trời tại các dự điện năng lượng mặt trời khi pin này hết thời gian sử dụng. Các bộ, ngành Trung ương cần có thông tin nhất quán và có hướng dẫn về lộ trình xử lý pin năng lượng mặt trời.
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành Trung ương đề nghị tỉnh Bình Định cần tiếp tục hoàn thiện chính sách về công tác ứng phó biến đổi khí hậu; rà soát các chương trình, bảo đảm việc lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.