Báo cáo mới đây của IMF nghiên cứu hơn 60 quốc gia thuộc danh sách các nước yếu kém và chịu ảnh hưởng của xung đột chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu dù không phải là nguyên nhân gây ra xung đột nhưng lại làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn vốn có. IMF dự báo, biến đổi khí hậu có thể đẩy thêm 50 triệu người tại các nước kém phát triển vào cảnh đói ăn vào năm 2060. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới làn sóng di cư để tránh các tác động của biến đổi khí hậu. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) nhấn mạnh, thế giới đã “chính thức bước vào kỷ nguyên di cư do khí hậu”.
Nhà khí hậu học người Nga Alexei Kokorin từng cảnh báo, nếu vấn đề biến đổi khí hậu diễn ra theo kịch bản xấu nhất thì gần 3 tỷ người sẽ phải di cư vì khí hậu vào cuối thế kỷ này. Phải hứng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng từ hạn hán, lũ lụt, nắng nóng cực đoan cho tới mực nước biển dâng cao, lâu nay, các quốc gia châu Phi luôn nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Theo Trung tâm Giám sát di trú nội địa của Hội đồng Tị nạn Na Uy, châu Phi ghi nhận hơn 7,5 triệu lượt di cư chỉ riêng trong năm 2022 do thảm họa thiên tai.
Báo cáo mới đây của IMF nghiên cứu hơn 60 quốc gia thuộc danh sách các nước yếu kém và chịu ảnh hưởng của xung đột chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu dù không phải là nguyên nhân gây ra xung đột nhưng lại làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn vốn có.
Tổ chức nhân đạo Save the Children cho biết, tính đến cuối năm 2022, ít nhất 1,85 triệu trẻ em ở nam sa mạc Sahara thuộc châu Phi đã phải di dời nơi ở trong nước do thảm họa khí hậu. Đáng chú ý, con số này tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021. Tổ chức này nêu rõ, khi mất nhà ở, trẻ em gần như mất tất cả mọi thứ, gồm cơ hội tiếp cận y tế, giáo dục, thực phẩm, sự an toàn.
Thực tế trên cho thấy, các nước nghèo cần nhiều quỹ hơn để bảo vệ mình khỏi tác động của thời tiết khắc nghiệt, giúp ngăn chặn việc người dân buộc phải chạy trốn sang nơi khác. Vấn đề tài chính lâu nay là thách thức lớn, gây nhiều tranh cãi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiện các nước châu Phi mới chỉ nhận được 12% nguồn tài chính cần thiết để đối phó những hệ lụy nặng nề mà biến đổi khí hậu gây ra.
Tổ chức nhân đạo Save the Children cho biết, tính đến cuối năm 2022, ít nhất 1,85 triệu trẻ em ở nam sa mạc Sahara thuộc châu Phi đã phải di dời nơi ở trong nước do thảm họa khí hậu. Đáng chú ý, con số này tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021.
Theo bà Mari Pangestu, cựu quan chức Ngân hàng Thế giới (WB), các nước đang phát triển ước tính cần từ 1.000 tỷ USD đến 3.000 tỷ USD mỗi năm để ứng phó biến đổi khí hậu. Việc thiếu hụt nguồn lực tài chính khiến những quốc gia này gặp khó khăn trong quá trình giảm lượng khí thải carbon và chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.
Trong khi các nỗ lực giảm khí thải chưa đạt được mức như mong muốn thì cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột ở Ukraine đã ảnh hưởng đến lộ trình chuyển đổi xanh của không ít quốc gia, dẫn đến “vòng luẩn quẩn” là gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở châu Phi, châu Á.
Nhóm nghiên cứu Global Energy Monitor của Mỹ cho biết, sản lượng điện than ròng trên thế giới tiếp tục gia tăng; nhiều nhà máy mới đã mọc lên ở châu Á và thế giới sẽ phải trả giá đắt nếu không thể ngừng sử dụng than. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu về than của Ấn Độ đã tăng 8% vào năm 2022. Đức, một trong những quốc gia đi đầu về nỗ lực khử carbon, cũng phải tăng sản lượng điện than khi tình hình năng lượng trở nên nghiêm trọng do gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga.
Phó Giám đốc IOM khu vực Đông Phi và Sừng châu Phi Justin McDermott nhấn mạnh rằng, giải quyết khủng hoảng khí hậu sẽ góp phần ổn định hoạt động di cư của con người, thúc đẩy hòa bình và tăng trưởng sinh thái. Hậu quả của biến đổi khí hậu đang len lỏi tới từng ngóc ngách trong đời sống con người. Đã đến lúc toàn thế giới phải hành động mạnh mẽ để chia sẻ công bằng trách nhiệm vì khí hậu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.