Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và xóa đói nghèo có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, do đó không một quốc gia nào trên thế giới đáng phải lựa chọn việc ưu tiên giải quyết một trong hai thách thức này.
Tuy nhiên, theo Tổng thống Pháp, hệ thống tài chính toàn cầu hiện không còn phù hợp để giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề, vì vậy Hội nghị cấp cao về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới được tổ chức trong hai ngày 22 và 23/6 tại Paris chính là cơ hội để tái cấu trúc hệ thống tài chính toàn cầu nhằm đáp ứng tốt hơn các mục tiêu về khí hậu của thế giới.
Tổng thống Pháp kêu gọi tăng cường nguồn tài trợ công và tư nhân để giải quyết tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng trong những nỗ lực ứng phó các thách thức chung của nhân loại.
Ông Macron cảnh báo, nếu không có khu vực tư nhân, thế giới sẽ không thể giải quyết phần lớn thách thức hiện nay.
Theo một báo cáo của tổ chức Net Zero Tracker, gần một nửa trong số các doanh nghiệp lớn nhất thế giới cam kết đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, nhưng chỉ một số ít trong nhóm này có kế hoạch hành động đáng tin cậy.
Chỉ ra một loạt thách thức mà các nước đang phát triển đang đối mặt, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh hơn 50 quốc gia trên thế giới đang trong tình trạng vỡ nợ hoặc cận kề bờ vực vỡ nợ.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cấu trúc tài chính toàn cầu hiện nay đã lỗi thời, không còn công bằng, thậm chí làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, do vậy không thể làm tròn sứ mệnh cung cấp mạng lưới tài chính an toàn cho các quốc gia đang phát triển.
Hội nghị lần này cũng tập trung vào các chính sách liên quan vấn đề biến đổi khí hậu của các tổ chức tài chính quốc tế lớn như IMF và WB, trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều lời kêu gọi các ngân hàng phát triển đa phương tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận nguồn vốn phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu.
Dù đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ các nước ứng phó biến đổi khí hậu, tuy nhiên, cả hai thể chế tài chính quốc tế này đều thừa nhận rằng năng lực tài chính của họ không đủ để đáp ứng nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển, mà IMF ước tính sẽ lên tới 1.000 tỷ USD/năm vào năm 2025.
Trong khuôn khổ hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva thông báo về bước tiến mới trong nỗ lực chung để giải quyết các vấn đề khí hậu và nghèo đói. Theo đó, các quốc gia giàu có đã đạt mục tiêu phân bổ lại 100 tỷ USD trong các quỹ của IMF để ứng phó biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo đói tại các nước đang phát triển.
Đây là thông tin vô cùng tích cực, bởi ngay trước hội nghị, IMF vẫn cần thêm tới 40 tỷ USD để đạt mục tiêu trong kế hoạch đặt ra từ năm 2019.
Trong khi đó, Chủ tịch WB Ajay Banga công bố loạt biện pháp hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng của thiên tai, trong đó đáng chú ý là việc giãn nợ cho các quốc gia nghèo.
Động thái này của WB nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước thu nhập thấp ứng phó khủng hoảng, cải cách các hệ thống tài chính và giải phóng các quỹ để ứng phó biến đổi khí hậu.
Trước đó, WB cũng đã tìm kiếm được khoản tài trợ gấp hai lần cho khí hậu và đưa ra kế hoạch hành động đối phó tình trạng ấm lên toàn cầu giai đoạn 2021-2025.
Nhiều lần bày tỏ quan ngại về nguy cơ thế giới đi chệch hướng trong các hành động nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng chỉ những nỗ lực tập thể mới giúp thế giới vượt qua thách thức chung.
Dù còn nhiều khác biệt trong chính sách và triển khai hành động, song các nhà lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế cùng nhấn mạnh vai trò của đoàn kết, hợp tác, phối hợp trong xây dựng một hệ thống tài chính toàn cầu bao trùm, minh bạch, lấy con người làm ưu tiên, thể hiện tiếng nói của các nước đang phát triển và kém phát triển.