Cột mốc đánh dấu việc mở rộng mạng lưới hiến, ghép tạng

Thành công của ca lấy, ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) mới đây một lần nữa chứng minh nghĩa cử cao đẹp của những người đã vượt qua nỗi đau, mất mát để tiếp tục gieo mầm sự sống cho bệnh nhân khác.
0:00 / 0:00
0:00
Các ê-kíp của các Trung tâm ghép tạng hàng đầu Việt Nam phối hợp Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí phẫu thuật lấy tạng từ người chết não hiến tặng.
Các ê-kíp của các Trung tâm ghép tạng hàng đầu Việt Nam phối hợp Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí phẫu thuật lấy tạng từ người chết não hiến tặng.

Với họ, “Cho đi là còn mãi” nhưng đây cũng là cột mốc quan trọng đánh dấu việc mở rộng mạng lưới hiến, ghép tạng để tăng cơ hội cứu sống giúp thêm nhiều người bệnh.

Gieo mầm sự sống

Nửa đêm của ngày đầu tháng 4/2024, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận một bệnh nhân được chẩn đoán chết não do không may bị tai nạn giao thông. Sau khi có kết luận chẩn đoán chết não cuối cùng sau ba lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, đồng thời nhận được đồng thuận của gia đình bệnh nhân trong việc hiến tạng, bệnh viện khẩn trương xây dựng kế hoạch lấy đa mô tạng. Bệnh viện đã có sự hiệp đồng chặt chẽ với trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, các trung tâm ghép tạng toàn quốc để rà soát và lập danh sách bệnh nhân sẽ được ghép tạng từ người cho này.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Cường, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí cho biết: Sau khi được lên kế hoạch chi tiết và chuẩn bị kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, bố trí nhân sự, nhất là phải bảo đảm thời gian bảo quản và phương án vận chuyển tạng tới nơi ghép, ca phẫu thuật lấy tạng được triển khai ngay trong đêm với sự tham gia của 120 y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chia thành nhiều ê-kíp. Trong đó, các trung tâm ghép tạng hàng đầu Việt Nam như Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế đã cử các bác sĩ đến Quảng Ninh để tham gia phẫu thuật lấy tạng.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện đánh giá: Đây là lần đầu việc lấy tạng được thực hiện tại một bệnh viện tuyến tỉnh, từ đó chuyển tới nhiều trung tâm ghép tạng trong cả nước, xa nhất là Bệnh viện Trung ương Huế. Dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam, sự huy động các nguồn lực tại chỗ của ngành y tế Quảng Ninh và toàn bộ ê-kíp tham gia, việc lấy tạng thành công ngoài mong đợi.

Trong bảy người được nhận tạng có cháu Nguyễn Thanh Tùng, 11 tuổi, ở phường Đại Yên, thành phố Hạ Long được nhận một quả thận. Trong khi chờ nguồn thận để ghép thì Tùng còn bị suy tim độ 2, nguy cơ tử vong rất cao. May mắn đã đến khi có người hiến thận phù hợp có thể ghép cho cháu. Chị Phạm Thị Bích Thảo, mẹ của Tùng, xúc động chia sẻ: Con tôi được sinh thêm lần nữa khi được nhận thận hiến tặng và may mắn hơn, thận ghép vào cơ thể cháu thích ứng rất tốt. Đến nay, sức khỏe của cháu đã hồi phục, tiến triển tốt và tiếp tục được các bác sĩ thăm khám, theo dõi. Gia đình tôi rất biết ơn người hiến.

PGS, TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia khẳng định, đây là một cột mốc quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới hiến, ghép tạng từ tuyến huyện, tỉnh. Nếu mô hình này triển khai thành công, nguồn tạng sẽ tăng lên, giúp thêm nhiều cơ hội cứu sống người bệnh. Thành công tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí sẽ là bài học kinh nghiệm cho tất cả các bệnh viện trong cả nước, kể cả tuyến tỉnh, tuyến huyện, nơi có các bệnh nhân chết não tiềm năng hiến tạng, chết tim tiềm năng hiến tạng.

Cột mốc đánh dấu việc mở rộng mạng lưới hiến, ghép tạng ảnh 1

Các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên dành 1 phút tri ân bệnh nhân hiến tặng tạng tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh.

Hướng đến là trung tâm ghép tạng cấp tỉnh

Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong điều trị cho những người mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục như suy thận mãn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Trong khi đó, khái niệm về hiến tạng vẫn còn nặng nề trong nhận thức nhiều người dân nên công tác tuyên truyền, vận động luôn là mấu chốt để thay đổi nhận thức. Từ tháng 7/2023, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức các chương trình đào tạo tăng cường hoạt động tư vấn, vận động hiến tạng. Trước đó, từ năm 2019, Sở đã ban hành quyết định thành lập Tổ tư vấn hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo ba bệnh viện lớn là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí triển khai lộ trình phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu về ghép tạng đồng thời thành lập hội đồng chẩn đoán chết não. Các bệnh viện tuyến tỉnh đã phối hợp Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức các lớp tập huấn với nội dung “tăng cường hoạt động tư vấn, vận động hiến tạng ở người sau chết, chết não” và chủ động tạo nguồn tạng ghép tại địa phương. Ngành y tế Quảng Ninh đã thành lập hai hội đồng chẩn đoán chết não; đồng thời tích cực đào tạo bác sĩ, chuẩn bị năng lực cho triển khai ghép tạng. Đến nay, đã có hơn 50 bác sĩ, điều dưỡng tham gia các khóa học tại các bệnh viện tuyến trung ương theo hướng cầm tay chỉ việc.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Cường, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, cho biết đơn vị này đang xây dựng bảy mũi nhọn trong khám và điều trị, bao gồm ghép tạng, đồng thời tổ chức cho 40 y, bác sĩ thuộc nhiều lĩnh vực đi học tập, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật để có thể triển khai ghép tạng ngay tại tỉnh.

Mới đây, “Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh” được thành lập và phát động chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người” vì mục đích cứu chữa người bệnh và phục vụ nền y học trên địa bàn tỉnh. Ngành y tế Quảng Ninh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng tới tất cả nhân viên y tế trong toàn tỉnh. Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Bùi Mạnh Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh cho biết: Đến nay, tất cả các đơn vị y tế trong tỉnh đã tham gia mạng lưới hiến mô, tạng và phát động đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong toàn ngành. Hy vọng nghĩa cử cao đẹp đăng ký hiến mô, tạng từ đội ngũ y, bác sĩ sẽ lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy ý thức và hành động hiến tạng cứu người trong mỗi người dân nhằm mang lại cuộc sống mới cho nhiều người bệnh.

Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên có cơ sở y tế tuyến tỉnh tổ chức triển khai lấy tạng ngay tại đơn vị. Điều này không chỉ khẳng định quyết tâm của ngành y tế Quảng Ninh trong việc tham gia sâu vào mạng lưới hiến tạng, ghép tạng quốc gia, thực hiện trách nhiệm cao với cộng đồng, mà còn cho thấy năng lực của đội ngũ y, bác sĩ tỉnh nhà sẵn sàng tiếp cận và triển khai các kỹ thuật cao phục vụ nhân dân ngay tại địa phương.