Liên tục nối tiếp thành công của những ca ghép gan từ người cho chết não, vừa qua tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, lần đầu tiên ca ghép gan cho người bệnh nữ T.T.H 46 tuổi, hôn mê gan sau khi bị suy gan cấp do viêm gan B không được kiểm soát thành công.
Đến với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hoàn cảnh đặc biệt của bệnh nhân không khỏi khiến đội ngũ y bác sĩ xót xa. Chị H bẩm sinh sứt môi, hở hàm ếch, đã được phẫu thuật nụ cười nhiều lần, hạnh phúc đến muộn với chị nhưng không may chị lại hiếm muộn, trên con đường tìm con bằng phương pháp IVF, chị đã thử đến 4 lần nhưng chưa thành công.
Đáng buồn hơn, thuốc IVF là thuốc nội tiết nên ảnh hưởng vô cùng lớn tới bệnh về gan của chị.
Trước khi nhập viện 4 ngày, chị H. vô cùng mệt mỏi, tình trạng vàng da tăng dần, chức năng gan và tri giác giảm, sốt cao, chị được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chẩn đoán suy gan cấp, bệnh não gan độ III/VGB - MELD score 40đ và có chỉ định phẫu thuật ghép gan toàn bộ từ người cho chết não.
Bệnh nhân ở tình trạng tối cấp, hôn mê, phải thở máy; não, thận, gan đều hỏng. Thêm nữa, bệnh nhân còn bị khó đông máu, mà khi ghép tạng, tình trạng này là vô cùng nguy hiểm vì sẽ làm mất máu.
Khi đang ở lằn ranh sinh tử chiến đấu với căn bệnh suy gan giai đoạn cuối, khi tưởng chừng như hy vọng không còn, phép màu đã đến với chị, đã có lá gan phù hợp với chị từ người cho chết não.
Các chuyên gia đều đánh giá ca ghép tiên lượng rất nặng, ảnh hưởng đến sự thành công của ca ghép, khi gan của bệnh nhân đã hoại tử 85%, thương tổn phổi và não. Trong khi đó, danh sách chờ ghép rất dài nên nếu ca ghép không thành công, sẽ bỏ lỡ cơ hội dành cho các bệnh nhân khác.
Bệnh nhân suy gan tối cấp được ghép gan thành công. |
Ngay lập tức, dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Giám đốc Bệnh viện, buổi hội chẩn chuyên sâu các chuyên khoa đã diễn ra. Mặc dù biết xác suất thành công khi ghép gan cho chị H. là không cao nhưng các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vẫn cố gắng áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất, chiến đấu từng phút giây trong phòng mổ để cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá.
Sau 6 tiếng, ca phẫu thuật kết thúc thành công. Sau ca ghép, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân đã bình thường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Quang Thùy, Giám đốc Trung tâm Gây mê Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khi ghép xong, bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Gây mê Hồi sức tích cực, được sử dụng những kỹ thuật hiện đại nhất, thuốc có tác dụng cao nhất, có nhân viên chăm sóc riêng trong phòng vô trùng. Vì thế, bệnh nhân đã có tiến triển nhanh chóng.
Ngày thứ 3, bệnh nhân có một mạch máu tắc nhưng được điều trị ngay. Chức năng gan, phổi, não, thận dần được cải thiện, Hiện, bệnh nhân đã tự ngồi, tự ăn và nói chuyện được.
“Đây là ca ghép tạng khó khăn nhất diễn ra thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Các bác sĩ phải chạy đua với tử thần để giành lại sự sống cho người phụ nữ hôn mê sau khi bị suy gan tối cấp, do viêm gan B không được điều trị. Nếu không ghép, bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng 48 giờ”, Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết.
Việc thực hiện thành công ca ghép gan cho người bệnh suy gan tối cấp từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế Việt Nam nói chung và tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng.